Hiếm có một thành phố nào như Huế. Rất nhiều danh xưng, nhưng tôi thích nhất vẫn là tên gọi về một thành phố đại học. Cũng chẳng quá hồ đồ, bởi lẽ nếu tính từ khi Quốc tử giám Huế ra đời đến nay, nền giáo dục đại học ở Huế đã có lịch sử gần hơn 2 thế kỷ (1803- 2012). Còn nếu tính từ tháng 3-1957, thời điểm ra đời của mô hình giáo dục đại học hiện đại là Viện Đại học Huế cho đến bây giờ, quãng thời gian cũng đã hơn nửa thế kỷ, với bao hành trình kẻ đến người đi, để rồi còn lại là khung trời đại học ngày càng rộng mở. Con số hàng năm có trên 7 vạn người dự thi vào Đại học Huế và con số hơn 2 vạn sinh viên chính quy đang theo học ở các giảng đường đại học ở đất Cố đô khiến ta suy nghĩ nhiều hơn đến vị thế và tư cách đất học của Huế.
Buổi sáng lên mạng, bắt gặp một cái tít “tự sướng” trong blog của nhà báo Nguyễn Thế Thịnh: “Cái khoa Ngữ văn trường mình cũng lạ” cứ ngẫm nghĩ mãi cả ngày, ừ thấy cũng hay hay. Nguyễn Thế Thịnh là thế hệ sinh viên cùng thời với tôi, vào trường những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Trường đại học Khoa học Huế còn mang tên gọi là Trường đại học Tổng hợp. Chỉ nhìn quanh những người bạn cùng lứa của Thịnh và cũng là của tôi đã giật mình, thì ra chỉ tính ở khoa văn một thời của Thịnh thành danh đã thấy nhiều, nhiều lắm là những trụ cột, là “cây đa, cây đề” trong bộ mặt báo chí, văn hóa, văn nghệ nhiều địa phương miền Trung, Tây Nguyên và cả đất nước hiện giờ. Oai cũng phải và tự hào cũng phải. Những sinh viên từ nhiều nơi trên đất nước một thời kia với những tháng ngày học tập ở Huế sẽ “nhiễm” vào trong mình cái chất Huế, hình thành nên một phong cách riêng trong hành xử và công việc của sinh viên trường Huế. Đã có mấy ai nghĩ đến và để tâm nghiên cứu về điều này chưa?
Tháng tư về thấy rộn ràng khắp Huế không khí hội trường, hội khoa, hội lớp mà cảm thấy mình như trẻ lại cùng bạn bè một thuở. Nó như tôn thêm một sắc thái lạ dịp hè về cho Huế Cố đô với tư cách là thành phố văn hóa, thành phố đại học...
Đan Duy