Trong đó, trên 280 triệu đồng cho giáo viên, những người trực tiếp bồi dưỡng các đội tuyển dạng như “trò được giải, thầy được khen”... Đây là kinh phí dành riêng cho những giải thưởng lớn trên sân chơi của giáo dục đỉnh cao, được tỉnh thực hiện trong mấy năm gần đây, góp phần thúc đẩy phong trào bồi dưỡng HSG lên một bước mới.

Tuy nhiên, sân chơi này mới “cổ động” cho thầy và trò trường chuyên, còn có biết bao ngôi trường, bao học sinh, bao thầy cô muốn được dốc sức dốc lòng và cả muốn được công nhận trên sân chơi giáo dục đỉnh cao, nhưng....
 
Năm học 2009-2010 là năm thành công trong giáo dục đỉnh cao với nhiều giải và giải cao trong kỳ thi chọn HSG cấp quốc gia. Sau nhiều năm vắng bóng, tỉnh có học sinh được gọi vào đội tuyển quốc gia thi Olympic quốc tế. Đặc biệt, trong một sân chơi mới dành cho học sinh trung học cơ sở (THCS)-Thi Olympic toán học Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APMOPS) 2010 - lần đầu tiên Thừa Thiên Huế có đội hình tham dự gồm 17 thành viên và đã có ba học sinh đạt giải. Em Lê Bá Gia Hưng lọt vào vòng 2, đại diện học sinh Việt Nam dự thi vòng 2 tại Singapore. Gia Hưng vượt lên hơn 500 thí sinh đến từ nhiều quốc gia, đứng trong tốp 40 và được tặng kỷ niệm chương...
 

Đồng chí Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao thường cho HS giỏi Đinh Anh Minh
 
Cũng như các sân chơi trí tuệ khác (thi Giải toán trên máy tính, thi Giải toán trên mạng, thi Đường lên đỉnh Olympia, thi Nghiên cứu khoa học...), không chỉ trường chuyên, lớp chọn mà cả các trường như Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng... đã làm rạng danh vùng đất học. Đây chỉ là điểm sáng bất ngờ, hiếm hoi, vì không phải ban giám hiệu trường nào cũng có cái nhìn sâu rộng, trách nhiệm để tạo điều kiện cho học sinh như các trường trên...
 
Trở thành thành viên Nguyễn Tri Phương, học sinh có cơ hội được bồi dưỡng, tạo điều kiện để tham gia các kỳ thi lớn, các sân chơi quốc gia, khu vực và cả quốc tế... Một Quốc Học chuyên là đại diện duy nhất của học sinh THPT có cơ hội thi Olympic 30-4, thi HSG quốc gia, quốc tế... khiến nhiệt tình chọn lọc, phát hiện, bồi dưỡng HSG ở các trường không chuyên vô hình chung chỉ cần đạt “ngưỡng” cấp tỉnh... là “lui quân”. Khả năng của học sinh phổ thông tỉnh ta đầy tiềm năng. Ví dụ, không thể không công nhận sự cố gắng của đội ngũ giáo viên khối chuyên của các trường thuộc Đại học Huế; nhưng cũng không thể không nói rõ, học sinh khối chuyên đại học thực chất là tốp nhì trong tuyển sinh đầu cấp hiện nay. Nhưng vì là học sinh chuyên, bên cạnh việc được bồi dưỡng có định hướng các em đã có cơ hội được cọ xát, tiếp xúc với các kỳ thi lớn và từ chính những cuộc cọ xát này đã mang về cho tỉnh không ít những thành tích đáng mừng về chất lượng đỉnh cao mà các trường THPT không chuyên hầu như không có cơ hội... Giá được đầu tư nhiều hơn chắc chắn những Đỗ Thành Tín (Nguyễn Chí Thanh), Nguyễn Như Nhản (Đặng Huy Trứ), Đỗ Thị Mỹ Hà (Gia Hội) đã đạt thành tích rất cao ở kỳ thi HSG cấp tỉnh sẽ không phải dừng ở đó nếu có cơ hội… 
 
“Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT trong lễ tuyên dương HSG năm học 2009-2010 cho rằng, việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ đầu trong nhà trường phổ thông là một công tác trọng tâm của ngành. Chăm lo phát triển giáo dục đào tạo là gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học của vùng đất... Nhưng, cũng như lời của Giám đốc Sở GD&ĐT tại buổi lễ này, có lẽ ngành cần tiếp tục đầu tư và “đổi mới công tác phát hiện và bồi dưỡng HSG”, để học sinh phổ thông khắp các vùng miền có cơ hội nhiều hơn trong việc được phát hiện, bồi dưỡng suốt 12 năm trên ghế nhà trường thay vì chỉ phát hiện trong hai kỳ tuyển sinh và bồi dưỡng theo hướng “gà chọi” như hiện nay...
 
“Mỗi cuộc thi là một cuộc tuyển chọn, sàng lọc... Điều này ai cũng biết. Với cách làm gần như đã thành thông lệ, “trường chuyên lớp chọn” trở thành những “sân nuôi gà chọi” trong giáo dục”.
 
An An