Tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư đến với Thừa Thiên Huế để phát triển sản xuất kinh doanh là chủ trương nhất quán của tỉnh. Nhiều chính sách ưu đãi được xây dựng cùng với nhiều đợt xúc tiến đầu tư và tổ chức khá quy mô cả trong và ngoài nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hàng chục dự án đầu tư được cấp phép; trong số đó, không ít dự án “treo” 3-4 năm, chủ yếu do nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính. Nhìn hàng loạt dự án “đóng băng” ở Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, không ít người cho rằng, Thừa Thiên Huế khá dễ dãi với các nhà đầu tư. Vậy nhưng, theo kết quả điều tra, chuyện tiếp cận đất đai ở Thừa Thiên Huế của các doanh nghiệp dân doanh lại... không dễ.
Chỉ số PCI về tiếp cận đất đai của tỉnh trở thành “vấn đề” khi có điểm số thấp nhất và được xếp ở vị trí cuối cùng trong số 63 tỉnh, thành phố theo kết quả điều tra PCI 2011 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Với 60,95 điểm, Thừa Thiên Huế nằm ở vị thứ 22/63 tỉnh, thành trong cả nước và giảm 4 bậc so với năm 2010. Ngoài tiêu chí tiếp cận đất đai xếp ở vị trí cuối bảng, Thừa Thiên Huế còn có 3 tiêu chí giảm điểm khác là dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và chi phí không chính thức.
Tại hội nghị nói trên, đại diện các sở, ngành, cơ quan, đơn vị... chỉ ra nguyên nhân sự giảm sút vị trí PCI của tỉnh; trong đó tập trung rà soát quá trình thực hiện liên quan đến quản lý đất đai. Nhiều ý kiến cho rằng, việc phân công trách nhiệm, tổ chức thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị chưa thống nhất, còn chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình làm thủ tục cho các nhà đầu tư...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phan Ngọc Thọ, để nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, cần làm tốt các vấn đề về quy hoạch; về xây dựng và mô tả cụ thể các quy định liên quan; công tác giải phóng mặt bằng; xây dựng mô hình quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị. Cần rà soát lại việc quản lý, sử dụng đất không để chồng chéo giữa công việc của các đơn vị. Bên cạnh việc chú trọng chất lượng xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch đất, quy hoạch sử dụng đất... cần lắng nghe, linh động xử lý những đề xuất xác đáng của các nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố, không làm ảnh hưởng đến môi trường phát triển chung của tỉnh. Đối với các quy định có liên quan thì phải mô tả thành quy trình, nêu được thời gian thực hiện, sản phẩm và trách nhiệm thực hiện. Trong công tác giải phóng mặt bằng, hội đồng giải tỏa các cấp phải ban hành các hướng dẫn cụ thể và trách nhiệm thực hiện. Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu kỹ trình tự quy trình, tạo điều kiện cho nhà đầu tư giảm bớt thời gian, thuận tiện thủ tục trong quá trình hợp tác... Trước mắt, các sở, ban ngành cần tập trung giải quyết những vấn đề có thể làm ngay thuộc thầm quyền của mình. Sở Tài nguyên và Môi trường phải kịp thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến các quy định, quy trình sửa đổi đến từng cá nhân, tổ chức có liên quan...
Với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng, hy vọng chỉ số PCI của tỉnh sẽ được cải thiện; đặc biệt là việc tiếp cận đất đai sẽ không còn là rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư muốn làm ăn lâu dài trên đất Thừa Thiên Huế.
Hoàng Thành