Nhà tôi không có vườn nhưng được cái ở xứ vườn. Vùng đất phủ chúa Kim Long nổi tiếng một thưở bây giờ còn nhiều ngôi nhà xưa với mảnh vườn rộng trồng nhiều cây trái. Lần đầu tiên tôi bước chân vào vườn của một ngôi nhà vào ngày con gà mái và đàn gà con “mất tích”. Theo lệnh mẹ, chị em tôi tỏa đi tìm quanh xóm. Lang thang mãi, tôi lạc vào một ngôi vườn rộng âm u. Nói rộng vì nhìn hoài không thấy nhà ở. Cây trong vườn chen nhau, tán rộng che cả ánh sáng mặt trời. Dưới đất, lá rụng tạo thành thảm dày, bước chân người đi nghe lạo xạo. Và cũng lần đầu tiên, tôi thấy hàng chục gốc dâu trái chín bọc quanh cột vàng ươm, đỏ thẫm. Thấy dâu đã chảy nước miếng nhưng không dám hái vì lỡ đâu chủ nhà xuất hiện thì có nước ăn đòn tét đít. Cố nhịn nhưng nước miếng cứ tứa ra khi gặp gốc mận trái trắng phau, dài thuỗn, loại mận mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Ngó mận mà bực chủ nhà, trách người không có ăn mà nhà ni cứ để cây trái ngời ngời ...dễ ghét. Miệng thì “bập bập” tìm gà nhưng mắt tôi không ngớt nhìn cây trái cho đã mắt. Mấy khi có dịp. Khi gặp cây măng cụt trái chín nằm lăn lóc thì tôi không thể kìm lòng, lẹ làng nhón một trái chín mọng bỏ vào túi quần rồi nhẹ nhàng... rút êm.

... Giờ đây, khi đã lớn, không được thỏa thích ngắm vườn người, tôi lại thích mua rau trái, một chút lộc nhỏ nhoi của vườn. Mỗi buổi sáng dắt xe đi làm, cảm giác mình thật hên vì gặp mấy mệ, mấy o nách rổ trái cây ra chợ. Hên vì được lựa thoải mái. Hên vì thế nào cũng mua rẻ hơn ở chợ. Hên vì chắc chắn là rau, trái an toàn. Lúc nào cuộc mua bán cũng diễn ra nhanh chóng, không cò kè thiệt hơn; người mua hào hứng chọn được thứ ưng ý, người bán vui vì không phải ngồi dưới cái nắng chang chang ở chợ chào mời. Về nhà, túc tắc ngồi nếm chút vị ngon của vườn, chợt thương người chủ tảo tần sớm hôm lo nước nôi, phân tro. Thôi thì bán rẻ cho o để mệ kiếm thêm mấy đồng đi chợ, có buôn mô mà lời lãi cho hung! Nghe chỉ bấy lời thôi, người mua sẵn sàng dốc túi ra không cần cân nhắc.

Có dạo, thuế nhà vườn bỗng chốc tăng lên gấp ba, bốn. Nhiều chủ vườn âu lo, than thở: Có thu được lợi nhuận mấy từ vườn mô, lấy chi mà nộp đây! Nói vậy thôi, rồi cũng vay mượn, đắp đổi. Vườn mình đó, chẳng lẽ bỏ đi. Thôi thì sớm hôm chăm bẵm, nào rau, nào trái cho con cháu khi xa về có cái mà ăn, mà nhớ, còn dư lại đem ra chợ. Thế nên người mua vẫn đợi chờ, vẫn vui, vẫn mừng khi ra đường còn được gặp lộc vườn...

A Túc