Với người lãnh đạo, để có uy tín trước hết phải là người có trí tuệ, có tư duy khoa học, có kiến thức về lĩnh vực mà họ đảm trách, có phẩm chất, liêm chính, chí công vô tư, có tấm lòng nhân ái, có phẩm chất, đạo đức cách mạng... Người lãnh đạo có uy tín là người có bản lĩnh, dũng cảm, bảo vệ người ngay thẳng, trung thực, đấu tranh với những hành vi sai trái, những biểu hiện cơ hội, thực dụng, không xu nịnh và điều quan trọng là không thích kẻ nịnh. Không ưa nịnh là một việc rất khó, bởi con người vốn thích nịnh. Trong thực tế, chúng ta thường thấy, cấp dưới thường hay tâng bốc, tụng ca cấp trên, người bị lãnh đạo hay khen người lãnh đạo, lắm lúc lời khen ấy quá quen thuộc và sượng sùng. Ví dụ, khi lãnh đạo có ý kiến, cấp dưới liền nói ngay, ý anh vừa nêu làm em sáng ra nhiều điều; anh phát biểu quá hay và sâu sắc. Lạ thật, họ cứ phát biểu đại ra vậy như đã quen miệng, còn hay và sâu sắc thế nào thì họ không phân tích được...
Người lãnh đạo có uy tín thường không lắng nghe lời xu nịnh ấy mà biết lắng nghe những lời nói trái với ý của mình (tất nhiên lời nói trái ý, đó là một ý tưởng, chính kiến hay mang tính dân chủ, dám nói của cấp dưới) để biết cấp dưới phục tùng cấp trên một cách tự giác, một sự phục tùng chân lý, khoa học; trái với sự phục tùng cho thuận gió xuôi chiều.
Hiện nay, bên cạnh những cán bộ lãnh đạo có uy tín, xứng tầm với trọng trách đang đảm nhận thì không ít cán bộ chưa hội đủ những tiêu chí cần và đủ của người lãnh đạo. Ở những người này, thay vì trui rèn, học hỏi để có được chữ TÍN trong lòng quần chúng thì họ thường tự khoe khoang, thích thành tích, tạo ra vây cánh để tăng “uy tín ảo”. Lão Tử từng dạy học trò rằng, người lãnh đạo không thành công khi cấp dưới xu nịnh, tán thưởng và cái cuối cùng, họ thất bại khi tập thể ganh ghét, không tín nhiệm.
Trong một đơn vị, cơ quan, cán bộ, nhân viên là người hiểu hơn ai hết về người lãnh đạo của mình. Sự khâm phục và độ tin của họ là thước đo đúng đắn, chính xác về năng lực và phẩm chất của người lãnh đạo.
Tiếc rằng, hiện nay, có một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị theo lối gia trưởng, độc quyền, thiếu dân chủ... nên cán bộ, nhân viên không dám nói sự thật, không dám phê bình vì sợ... Cán bộ, nhân viên không dám góp ý không phải vì họ không nhận ra điều hay, điều dở nhưng vì họ đoan chắc là có nói ra lãnh đạo cũng không nghe, không xem xét, có khi lại bị trù úm!
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy cán bộ: “Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh dạn đề ra ý kiến và phê bình...”. Làm được như vậy càng tăng thêm uy tín cho người lãnh đạo.
Bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải có một uy tín nhất định, chức vụ càng cao thì uy tín càng lớn. Uy tín là sự phản ảnh phẩm chất và năng lực của một người. Sự nỗ lực chủ quan của người cán bộ lãnh đạo trên cả hai mặt phẩm chất và năng lực là yếu tố quan trọng tạo nên uy tín của họ. Do vậy, trước hết người lãnh đạo phải gương mẫu, có lối sống trong sạch, tận tụy hy sinh vì tập thể. Đã là cán bộ lãnh đạo, phải có tầm hiểu biết rộng, có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức, có quan hệ mực thước, ứng xử có văn hóa với quần chúng...
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Trước mắt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Bàn về uy tín, chúng tôi thấy xót xa khi trong thực tế, một số cán bộ lãnh đạo các cấp không chịu rèn luyện, không chịu lắng nghe ý kiến của cán bộ, nhân dân, làm xói mòn niềm tin, mất uy tín cá nhân và còn làm ảnh hưởng đến uy tín của bộ máy công quyền.
Sự việc rồi cũng lộ ra khi các ngành, các cấp có ý kiến. Sai một lần còn nghiên cứu, ở đây sự việc “mất uy tín” tái diễn nhiều lần! Đã sai, lãnh đạo lại còn phê bình người này, góp ý người khác làm cho cấp dưới ngán ngẩm mất niềm tin. Kết quả là uy tín của người lãnh đạo mất hút trong lòng nhân viên. Thực hiện Nghị quyết TƯ 4, vai trò, vị trí của người đứng đầu là rất quan trọng vậy thì những vị lãnh đạo này sẽ phê bình và tự phê bình như thế nào đây?! Lại thêm một hình ảnh khác của người lãnh đạo làm cấp dưới không tâm phục. Đó là người lãnh đạo không bao giờ quyết một việc gì. Mọi chuyện đều chờ họp xin ý kiến của tập thể. Có những việc trong tầm tay, cấp dưới đang chờ quyết định của lãnh đạo để triển khai công việc cho kịp, vậy nhưng phải chờ,... chờ họp đã.
Lãnh đạo như vậy thì nói chẳng ai nghe. Cho nên người ta nhận định quá đúng rằng, không phải hễ có chức vụ là đã có uy tín. Chức vụ không đẻ ra uy tín, không quyết định uy tín. Thực tế có những người có cương vị nhưng lại không có uy tín hoặc uy tín thấp.
Ở nơi này, nơi kia có những “thủ trưởng” nói mà quần chúng và cấp dưới không ưa nghe, thậm chí còn bình phẩm chê trách, muốn “tẩy chay” cái sự lãnh đạo và quản lý của người “thủ trưởng”.
Thế nên, đã là lãnh đạo, dù ở cương vị nào cũng cần đặc biệt xây dựng uy tín cá nhân. Xây dựng uy tín không phải là chuyện dễ dàng. Nó đòi hỏi phải có ý chí, nghị lực. Cương vị càng cao càng đòi hỏi hết sức chăm lo, giữ gìn uy tín. Sức mạnh uy tín của người lãnh đạo lúc nào đó là động lực lớn lao cho cấp dưới dốc hết tâm lực, làm việc hết mình phục vụ lợi ích chung.
Chiến Hữu