Không “chính chủ” vẫn cầm

Một ngày cuối tháng 5/2016, trong vai một người cần tiền, tôi cùng một người bạn đến khu vực được xem là “phố cầm đồ” trên đường Phan Bội Châu (phường Trường An). Ghé vào tiệm cầm đồ T. T., chúng tôi yêu cầu cầm chiếc xe máy Exciter do người khác đứng tên. Một nhân viên xem qua chiếc xe rồi ngã giá, chiếc này cầm được 5 triệu, lãi suất 10.000 đồng/ngày (tức 6%/ tháng). Theo một cán bộ công an, nếu chúng tôi đồng ý với lãi suất trên, giao dịch diễn ra, đồng nghĩa tiệm cầm đồ này vi phạm lỗi nguồn gốc tài sản không rõ ràng và lãi suất vượt quá quy định. Theo quy định, lãi suất và phí cầm đồ tối đa không quá 4,2%/tháng tính trên số tiền được vay của mỗi lần cầm đồ. Nếu bên cầm đồ muốn vay nóng ngắn hạn (dưới 15 ngày), lãi suất và phí cầm đồ cao nhất không quá 0,3%/ngày.

Một kho xe gian bị cơ quan công an phát hiện tại một tiệm cầm đồ

Hôm sau, tại tiệm cầm đồ B. M., chúng tôi được nhân viên ở đây định giá chiếc xe “không chính chủ” chỉ 2 triệu đồng với lãi suất 10.000 đồng/ngày (tức 15%/ tháng). Cũng với chiếc xe trên, tiệm cầm đồ A. N. trên đường Đặng Huy Trứ lại đồng ý cầm 4 triệu đồng, lãi suất 300.000 đồng/tháng (tức 7,5%/tháng). Tại một số tiệm cầm đồ ở phường Trường An, hầu như nơi nào cũng nhận cầm xe với thủ tục đơn giản, dù quy định cấm nhận những tài sản không rõ nguồn gốc. Theo tìm hiểu, tại các tiệm cầm đồ, những tài sản của khách không rõ nguồn gốc sẽ được đưa đến một nơi khác để cất giữ, phòng bị cơ quan chức năng kiểm tra, phạt nặng. Theo quy định, tiệm cầm đồ nếu mở kho phụ phải khai báo với cơ quan chức năng. Quá thời hạn trả lãi lẫn gốc, số tài sản này sẽ được “thanh lý” rồi bán ra ngoài kiếm lời. Đã có rất nhiều người vô tình ham rẻ mua phải loại tài sản này để rồi sau đó liên lụy đến pháp luật. Qua ghi nhận tại một số tiệm cầm đồ, tỉ lệ khách đến cầm rồi bỏ luôn khá cao, vì không có khả năng chuộc hoặc tài sản đó là do trộm cắp, cướp giật mà có. Mặc dù biết rõ tài sản không rõ ràng nhưng nhiều nơi vẫn nhận cầm cố mà không cần ghi biên nhận.

Gần 100% đồ gian được “hóa kiếp”

Theo quy định tại Nghị định 72 của Chính phủ và Thông tư 33 của Bộ Công an, dịch vụ kinh doanh cầm đồ phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự do công an cấp huyện cấp. Mặc dù pháp luật đã có những quy định khá chặt chẽ trong quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhưng vi phạm xảy ra liên tục. Một số tiệm cầm đồ vừa là nơi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP. Huế cho biết, từ đầu năm 2016 đến giữa tháng 5/2016, đơn vị phối hợp công an các phường tổ chức kiểm tra, rà soát, lập danh sách các cơ sở cầm đồ có biểu hiện phức tạp, thường vi phạm các lỗi về cầm hàng không có nguồn gốc. Qua 55 đợt kiểm tra, đơn vị phát hiện 6 cơ sở vi phạm, phạt tiền gần 20 triệu đồng, tạm giữ 135 xe máy cầm cố không đúng chủ sở hữu. Theo trung tá Lê Ngọc Minh, nhiều cơ sở do hám lợi mà bỏ qua các quy định của pháp luật trong kinh doanh. Các lỗi vi phạm phổ biến: tài sản không rõ nguồn gốc, lãi suất cao hơn quy định, không ghi vào sổ, không CMND, để tài sản cầm cố ngoài địa điểm kinh doanh. Thậm chí có nhiều trường hợp vi phạm cầm cố tài sản không có giấy tờ sở hữu hoặc hoạt động chui, không có giấy chứng nhận an ninh trật tự...

Thượng tá Võ Xuân Thiện, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về trật tự xã hội Công an TP. Huế chia sẻ, kinh doanh dịch vụ cầm đồ tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp như: chứa chấp, tiêu thụ tài sản không rõ nguồn gốc, tài sản do người khác phạm tội mà có, cầm cố tài sản cho vay lãi suất cao... ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT. Thực tế thời gian qua, đơn vị đã phá nhiều vụ án trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có sự che đậy, tiếp tay và không tố giác tội phạm của một số chủ tiệm cầm đồ. Gần 100% tài sản gian đều được các đối tượng “hóa kiếp” tại các tiệm cầm đồ với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thật. Nếu phát hiện đồ gian, cơ quan công an sẽ tịch thu tài sản, khi đó các chủ tiệm cầm đồ “tiền mất tật mang”. Công an TP. Huế đã khởi tố nhiều vụ các đối tượng có hành vi “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nhưng nhiều người vẫn vi phạm.

Thời gian tới là mùa Euro 2016, đồng nghĩa với việc cầm cố tài sản gia tăng, Công an TP. Huế sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các sai phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát những dịch vụ cầm đồ tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có để có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Phải lập hợp đồng theo quy định
Theo Thượng tá Trương Thế Vũ, Phó Trưởng công an TP.  Huế: Để đảm bảo tình hình ANTT khi thực hiện cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình CMND hoặc giấy tờ khác còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở. Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ 3 phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu. Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có phải thông báo ngay với cơ quan công an có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. 
THÁI BÌNH (ghi)

THÁI SƠN