Trong điều kiện kinh tế thị trường đang ngày càng mở rộng ở nước ta, đã có nhiều mặt tích cực, đổi mới phát triển trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển văn hóa, xã hội của cộng đồng. Nhưng bên cạnh đó, nhiều khó khăn và không ít những bất hợp lý, hiện tượng tiêu cực đang là lực cản bước tiến của cuộc sống nói chung.

 

Thực tế cho thấy, có những quy định không thích hợp hay không còn thích hợp với sự biến đổi của tình hình, điều kiện phát triển sản xuất, làm ăn của người dân mà không được điều chỉnh lại kịp thời, vi phạm quyền lợi và gây khó khăn trong tổ chức cuộc sống của người dân, khiến tình trạng lo lắng, thắc mắc trong dân ngày càng nhiều, dưới nhiều dạng thức khác nhau.

 

Từ những gì đặt ra trong cuộc sống, phát triển, vấn đề trách nhiệm của cá nhân người dân và trách nhiệm của cán bộ Nhà nước trong tiến trình thúc đẩy sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân đang đặt ra nhiều điều phải có phương án, kế hoạch giải quyết. Ở đây, có trách nhiệm của cá nhân cán bộ Nhà nước chưa làm tròn nhiệm vụ của mình, không sát với đời sống của người dân, không nắm bắt những biến động trong đời sống, sản xuất của người dân. Do vậy, không đề xuất được những vấn đề nóng bỏng trong sinh hoạt của người dân để kịp thời tháo gỡ những rào cản, những khó khăn cho người dân trong sinh sống, làm ăn. Cũng có nhiều cán bộ Nhà nước thiếu tinh thần trách nhiệm, thờ ơ với cuộc sống của dân, không quan tâm đến những vấn đề nóng hổi mà nhân dân đề nghị giúp đỡ nên để tình trạng bức xúc trong dân dồn nén, dẫn đến khiếu kiện tập thể, khiếu kiện vượt cấp làm rối tình hình. Ngược lại, ở một số vụ việc do người dân không hiểu biết pháp luật nên không tạo điều kiện cho Nhà nước quản lý tốt trật tự xã hội; thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, ổn định, công bằng của mọi công dân, của cộng đồng xã hội. Từ những ngóc ngách, sơ hở ấy, nhiều phần tử cơ hội, cực đoan lợi dụng kích động gây rối làm mất trật tự, an toàn cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

 

Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, tình hình ấy đã nhiều lần, nhiều vụ việc diễn ra khiến chính quyền các cấp phải bận tâm giải quyết. Để nhân dân và chính quyền Nhà nước cùng chung sức tạo ra cuộc sống ngày càng được cải thiện hơn, cùng nhau xây dựng Nhà nước ngày càng vững mạnh cần có sự cố gắng từ hai phía: Người dân và Nhà nước. Sự đồng thuận và quyết tâm của hai phía, cương quyết gạt bỏ những nhược điểm, bổ sung những thiếu sót, xây dựng những quy chế hành động, bổ sung những chính sách phù hợp, bảo đảm lợi ích của người dân và lợi ích lâu dài của cộng đồng là sức mạnh tổng hợp có tính quyết định cho sự phát triển chung, tránh những biểu hiện tiêu cực manh nha, nhen nhóm...

 

Mới đây, nhân chuyến công tác ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, chúng tôi nhận ra trong cuộc sống của người dân đang có những vấn đề bức xúc cần nghiên cứu, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống, lao động, sản xuất. Cụ thể là sau những vụ cưỡng chế, đập phá nhiều căn hộ xây dựng trái phép trên địa bàn xã Lộc Vĩnh, Lộc Tiến... theo kế hoạch số 30/KH-HĐCC của UBND huyện Phú Lộc, đơn khiếu kiện của nhiều hộ dân đã gởi đi kiêu cứu các ngành, các cấp.

 

Sự thật như thế nào? Sau chuyến công tác thực địa, chúng tôi nhận ra việc làm của huyện Phú Lộc là đúng nhưng soát xét trên tổng thể có nhiều điều cần bàn. Cần bàn bởi việc cưỡng chế nhằm bảo đảm kỷ cương của luật pháp nhưng cũng phải tính đến vấn đề an sinh, an dân, công bằng và minh bạch. Có nghĩa là mọi trường hợp xây dựng vi phạm đều phải cưỡng chế tháo dỡ như nhau. Đằng này, có nhà thì bị phá bỏ, có nhà vẫn xây dựng, có nhà chưa đụng tới; những nhà chưa đụng tới là những ngôi nhà có quan hệ thân thuộc với cán bộ xã, cán bộ huyện hoặc là... sao đó không rõ mà nhân dân đang thắc mắc. Cưỡng chế mà không an dân, không an sinh xã hội là cưỡng chế chưa thành công nếu không nói là làm cho xong việc còn đời sống của người dân ra sao thì mặc kệ!

 

Về Lộc Vĩnh, sau khi làm việc với chính quyền xã, thăm một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thấy có nhiều điều cần suy ngẫm. Suy ngẫm bởi nhiều gia đình có nguyện vọng quá chính đáng nhưng đề xuất mãi chưa có ai giải quyết. Đa số họ là gia đình đông con, ở trong khu vực “vành đai xanh”. “Vành đai xanh” theo bản đồ quy hoạch vùng kinh tế Chân mây – Lăng Cô thì người dân được phép làm đơn xin làm nhà tạm. Oái ăm thay, khi dân làm đơn xin phép tách hộ làm nhà tạm thì, không có cấp nào giải quyết. Chính quyền xã thì nói vùng quy hoạch phải xin trên. Lên xin trên thì trên nói xuống dưới. Chính quyền xã, Ban quản lý khu kinh tế Chân mây – Lăng Cô, UBND huyện Phú Lộc cứ đẩy qua đẩy lại bằng văn bản một sự việc đáng ra không thể kéo dài. Cán bộ né tránh, dân biết kêu ai?

 

Giải quyết vấn đề nêu trên không khó. Ở đây chúng tôi muốn luận một vấn đề, đó là mối quan hệ công tác giữa Ban quản lý khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và chính quyền huyện Phú Lộc trong điều hành, quản lý hành chính – kinh tế đời sống xã hội, dân sinh ở địa bàn huyện. Đây cũng là vấn đề trách nhiệm, năng lực, phẩm chất của người cán bộ Nhà nước. Cán bộ Nhà nước mà nặng làm việc qua văn bản, giấy tờ, thiếu đối thoại, gặp gỡ, thiếu khảo sát thực địa, thiếu tư duy biện chứng giữa lý thuyết và màu sắc cuộc sống ắt sẽ quan liêu, giải quyết vấn đề khô cứng, không phù hợp với tình hình đang nóng ở cơ sở. Xa rời cơ sở, cán bộ khó có thể có những đề xuất các vấn đề sát sườn với cuộc sống vốn rất sinh động cần giải quyết.

 

Thực tiễn, nhiều dự án treo đã làm khổ dân, nhiều năm mới giải quyết. Nhiều dự án xí phần đã hành dân, nhiều khu quy hoạch án binh bất động, không có lộ trình triển khai khiến cuộc sống của nhân dân gò bó, túng quẫn... đặt ra cho cán bộ, đảng viên, các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền cần trăn trở, suy nghĩ để có hướng giải quyết. Phương án giải quyết cho cuộc sống của người dân từ chuyện ăn, ở, học hành, đi lại với nhiều giải pháp linh hoạt: giải pháp tạm thời, giải pháp có điều kiện, giải pháp có đề xuất, giải pháp lâu dài... Trăn trở, làm việc với tư duy như vậy mới gọi là công bộc của nhân dân.

 

Tôi từng lăn lộn trong cuộc sống của người dân trong nhiều chuyến công tác với cán bộ lãnh đạo Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện về cơ sở. Có nhiều trường hợp với nhiều vấn đề trong cuộc sống đặt ra ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, lao động của người dân lâu ngày chưa có cấp nào giải quyết do không dám đề xuất, do ngại phạm luật... Hôm ấy, người cán bộ lãnh đạo thấy có vấn đề, đã hướng dẫn cấp dưới trình ngay lên tỉnh để sớm giải quyết, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân. Nhìn nhận một vấn đề trong cuộc sống của người dân, hướng dẫn, giải quyết một vấn đề trong cuộc sống xuất phát từ cơ sở, có lúc, có nơi làm cho các cấp, các ngành chỉnh sửa những văn bản, định chế không còn phù hợp, ban hành những luật lệ mới, kịp thời, phù hợp hơn, dỡ bỏ những rào cản, tạo thuận lợi cho nhân dân trong sinh sống, làm ăn. Được như vậy mới tròn nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên là sát với cơ sở, không quan liêu và tỏ rõ sự năng động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác.

Quan hệ giữa chính quyền với người dân là quan hệ hợp tác để xây dựng một xã hội phát triển. Để có mối quan hệ tốt, người cán bộ các cấp, đại diện cho chính quyền Nhà nước phải gần dân, sát với thực tiễn để có những đề xuất, quyết định sáng tạo, phù hợp với tình hình, kích cầu xã hội tăng trưởng, đi lên.

Chiến Hữu