Huế và sân vận động Tự Do đã có những buổi chiều ồn ã, không thể nào quên. Nhớ cách nay chừng 15 năm về trước, một trận cầu lịch sử đã diễn ra trên sân vận động Tự Do. Chỉ một chiến thắng ở trận cầu play- off đội tuyển bóng đá Huế sẽ lên hạng. Vậy nhưng, đối thủ lại là một Hải Quan sừng sỏ. Trong một buổi chiều mưa rét căm căm, hàng vạn khán giả đã không quản ngại cái rét thấu xương để đến sân vận động. Và rồi, chính hơi ấm từ những khán đài đầy ắp những con người tâm huyết như tiếp thêm sức mạnh giúp các cầu thủ Huế ra sân như những chiến binh thực sự để khẳng định mình, không làm thất vọng sự tin yêu của những người hâm mộ. Có mặt trên khán đài trong buổi chiều mưa gió kia, tôi đã nghĩ và chiêm nghiệm câu nói của ai đó về bóng đá như thứ túc cầu giáo và Huế của tôi là một minh chứng.
Ngày trước, cũng đã có những buổi chiều cuối tuần sân vận động Tự Do không có những trận cầu sôi động. Vậy nhưng, người Huế đã có một sáng tạo tuyệt vời khi xem bóng đá qua mạng lưới loa truyền thanh gắn liền với một con người kỳ lạ là anh Trần Đình Xuân Dũng, một phóng viên của Báo Thừa Thiên Huế đã qua đời ivà một người nữa là Giám đốc đài Truyền thanh Huế Lê Văn Lân, giờ đã nghỉ hưu. Chỉ với một điện thoại di động chập chờn, liên kết với Đài Truyền thanh Huế của anh Lân, anh Xuân Dũng đã nhiều lần đi theo đội bóng trong những chuyến thi đấu sân khách để đóng vai bình luận viên bóng đá. Chiều cuối tuần, một vòng dạo quanh thành phố, thấy đó đây văng vẳng tiếng loa phóng thanh bình luận bóng đá, có khi chỉ là tiếng được tiếng mất, tôi bỗng thấy lòng mình như có lửa, nôn nao và rạo rực.
Sân vận động Tự Do. Ảnh: Internet
Ở Huế có một con người mà tên tuổi và cuộc đời xứng đáng là biểu tượng cho bóng đá Huế đầy sự hiến dâng và quên mình. Đối với tôi, đó là thủ môn Nguyễn Viết Rớt. Làm quen với trái bóng từ lúc 5-7 tuổi, ông Rớt nay tuổi đã ngoài thất thập cổ lai hy đã có hơn nửa cuộc đời gắn liền với trái bóng tròn, chứng kiến và nếm trải bao thăng trầm cùng bóng đá Huế. Mới đây tình cờ đọc lại một bài viết về Rớt tôi bỗng giật mình khi biết rằng để có mặt ở trận cầu tuyển Huế gặp Công an Hà Nội vào một buổi chiều cuối tuần năm 1978 mà tôi lúc đó là một chú nhóc có dịp dự khán, Rớt đã phải cố gắng đạp nốt cuốc xe đạp thồ cuối cùng, vội vàng đạp thẳng đến sân vận động, vào phòng thay đồ mặc vội áo quần, rồi chạy vội ra sân. Bao thế hệ người dân Huế ghiền trái banh da đã da diết nhớ đến Rớt, nhớ và ngẫm nghĩ thật nhiều về những buổi chiều Huế ngập tràn tiếng hò reo cùng trái bóng tròn, như sự rủ bỏ, một cách quăng đi bao nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống.
Người Huế vẫn tự hào là nơi có sân vận động Tự Do được xem là một trong những sân bóng đá ra đời đầu tiên ở Đông Dương. Bóng đá Huế vẫn nhiều những khúc quanh. Không đâu xa, chỉ mấy mươi năm từ ngày miền Nam giải phóng đến nay, bóng đá Huế cũng đã trải qua nhiều thăng trầm. Niềm vui chưa lâu của đội bóng từng làm mưa làm gió sau giải phóng là thời gian dài bóng đá Huế chìm nghỉm, phải sống lay lắt dưới cái tên gọi đội bóng Sông Hương. Chưa trọn một niềm vui với đỉnh cao á quân vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, bóng đá Huế lại phải trải qua giai đoạn vật lộn với mục tiêu lên hạng, trụ hạng. Để rồi, cuối cùng là buổi chiều 13/8/2011 như một lời tạ từ buồn trên sân vận động Tự Do khi đội bóng đá Huế chính thức rớt xuống hạng nhì, một giải đấu mang tính nghiệp dư.
Chiều cuối tuần không có những trận cầu sôi động ắp đầy tiếng hò reo, Huế của tôi và của chúng ta bỗng trở nên trống vắng, và rồi day dứt tận đáy lòng là câu hỏi trĩu nặng, đợi đến bao giờ?
Đan Duy