Mưa lê thê, vậy nên có được một ngày nắng cả xóm như bừng tỉnh. Chuyện chợ búa, chuyện đồng áng và nương rẫy sao cho kịp thì kịp vụ, rồi chuyện Tết đến Xuân về… bao nhiêu thứ cứ dồn dập. Vậy nhưng, dù bận rộn công việc nhà đến ngập đầu, lút cổ, những ngày giáp Tết mẹ tôi vẫn không hề ngơi tay. Cũng bởi mẹ tôi là trong số những người gói bánh tét và bánh chưng khéo nhất xóm, nên lắm người cậy và kẻ nhờ. Mà tất cả đều không thể chối từ, bởi toàn thân thiết, nhờ vả trước đó cả tháng trời đâu phải chuyện đùa, ngày một ngày hai.  

Tôi đến nhiều nơi. Cả ngoài bắc và trong nam, điều mà người ta khen dân Huế là ở sự thông minh, cần cù, chịu khó và trên hết là sự khéo tay. Đơn giản như đòn bánh tét hay cái bánh chưng. Với người Huế, nó đòi hỏi không chỉ ngon mà còn phải đẹp, phải cân đối hài hoà và phải hấp dẫn. Vậy nên phải kén chọn, từ nguyên liệu bên trong đến lá gói, dây buộc phía ngoài, tất cả đều cần đến sự khéo tay của những người như mẹ tôi để có được những khuôn hình bánh đẹp, ưa nhìn, dễ sử dụng. Tôi hiểu, sự khéo tay của người Huế thể hiện rất nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống nhưng tựu trung vào ngày Tết là ở cách làm và chế biến những món ăn và dĩ nhiên, nó gắn liền với các chị, các mẹ. Cách chế biến món tré ngày Tết cho cánh đàn ông nhậu chơi là một ví dụ. Món tré làm bằng da heo, thịt bò, gia vị có nước mắm kho, ớt trái, tỏi, mè, riềng xắt sợi và một thứ không thể thiếu đó là thính gạo hoặc nếp là điều ai cũng biết. Khác nhau là ở chỗ liều lượng gia giảm ít nhiều tuỳ thuộc người làm và thế là, tré của mỗi người mỗi khác, mùi vị khác, màu sắc cũng khác. Còn nữa gói tré ngày trước là chuyện rất quan trọng, gói không chặt thì tré sau này có thể sẽ bị rời ra, không thành. Một thứ không thể thiếu là lá ổi ở trong cùng và chính lớp lá này làm cho món tré có mùi thơm đặc biệt nên không thể thay bằng loại lá nào khác. Kế đến là lớp lá chuối. Sau nữa là lớp tranh (rơm, rạ) rồi lại nhiều lớp lá chuối nữa. Khi ăn, phải lột nhiều lớp mới đến lọn tré be bé bên trong. Không thật khéo tay, đố mà làm được.
 
 
Chuyện khéo tay của người Huế lâu nay được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Huế là một đô thị cổ, được chọn làm kinh đô của nước Việt Nam ngót nghét mấy trăm năm. Do nhu cầu kén chọn của vua quan phong kiến và người dân đô thị nên mọi thứ, trong đó có chuyện ăn uống, đều phải ở một yêu cầu cao. Chẳng hạn, người Huế thường ăn bằng cả ngũ quan. Đã ăn thì mắt phải nhìn thấy màu sắc hay cách trình bày món ăn, răng phải chạm vào món ăn, mũi phải ngửi được mùi vị hấp dẫn, lưỡi phải cảm nhận được, tai phải nghe được tiếng nhai thức ăn. Vậy nên phải dụng công, phải tinh tế, phải khéo làm. Và cũng bởi thế mà Tết đến Xuân về một thời là lúc mà sự khéo tay được trân trọng và tôn vinh. Âu cũng chính vì lẽ đó mà đây là thời điểm mà những người bình dân khéo tay như mẹ tôi bình thường bận rộn, giờ càng tất bật hơn.   
 

Đan Duy