Có dịp ra chợ, hoặc đến các quầy bán gạo trên địa bàn thành phố Huế mới hay, hạt gạo của người nông dân trên đất Cố đô vẫn còn bị lép vế cả về thương hiệu lẫn giá bán. Ở các điểm bán gạo, các thương hiệu, các loại gạo được khách hàng thường chọn mua nhiều như: gạo Thơm Đài Loan, gạo Thơm Thái Lan, gạo Chợ Đào, Nàng Hoa, Nàng Hương, Tám Xoan, Tám Thơm, Liên Hương, Ngọc Nữ, Lài Nhật, Long Phụng, Quê Hương... với giá mỗi kg từ 14.000 đồng đến trên 19.000 đồng. Các loại gạo trên chủ yếu được sản xuất từ các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang... ở phía Nam và Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên... ở phía Bắc. Hỏi ra mới biết, gạo Huế không phải là lựa chọn của nhiều khách hàng. Gạo ngon sản xuất trên địa bàn tỉnh giá cao nhất cũng chỉ được 13.500đ/kg, bằng giá gạo Quảng Trị bán ở Huế; còn gạo thông thường giá chỉ 10.000 – 11.000 đ/kg; bằng 2/3, thậm chí chỉ hơn 1/2 giá gạo đặc sản của các địa phương khác. Lâu nay, gạo Huế (gọi chung các loại gạo sản xuất trên địa bàn Thừa Thiên Huế) không thuộc nhóm gạo chất lượng cao của thị trường và chỉ tiêu dùng phổ biến ở các vùng nôn theo hình thức “tự sản, tự tiêu”. Cũng theo những người kinh doanh gạo, một số loại gạo được sản xuất trên địa bàn tỉnh ăn cũng ngon không kém các loại gạo giá cao. Tuy nhiên, người tiêu dùng đôi khi cũng chạy theo các sản phẩm gạo có... thương hiệu. Gạo Huế đã và đang “thua trên sân nhà” là một thực tế. 

Được biết, những năm qua, cùng với việc nâng tỷ lệ các giống lúa xác nhận, ngành nông nghiệp tỉnh còn triển khai việc đưa các giống lúa chất lượng cao vào gieo cấy ở các địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết quả mang lại chưa thật rõ. Bên cạnh, yếu tố giống và quy trình sản xuất lúa để có gạo chất lượng cao, việc tổ chức chế biến, tạo dựng thương hiệu; hay nói đúng hơn là tính hàng hoá của sản phẩm gạo Huế chưa được quan tâm để có chỗ đứng trên thị trường. Giải quyết đầu ra cho hạt lúa, thời gian gần đây HTX Thuỷ Thanh II của xã Thuỷ Thanh (Hương Thuỷ) đã tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ lúa cho nông dân. Năm 2011, với sự hỗ trợ của đề án khuyến công tỉnh, HTX đầu tư một dây chuyền xay xát, chế biến để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm gạo của bà con nông dân. Tuy nhiên, đây chỉ mới là những nỗ lực ban đầu, bởi “sức vóc” của HTX còn có hạn.
 
Cần thấy rằng, tạo ra sản phẩm chất lượng cao là xu thế của nền kinh tế tri thức. Thừa Thiên Huế là địa phương có diện tích đất nông nghiệp không lớn, nông dân có khả năng đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Với hạt gạo, nếu đẩy giá trị gia tăng của sản phẩm lên 1/3 lần, thì có khả năng tạo ra lợi nhuận gấp đôi. Đó là một cách tăng diện tích, sản lượng, giá trị hạt lúa lên gấp đôi một cách vô hình.
 
 
Lâu nay việc liên kết 4 nhà được đề cập đến nhiều trên các diễn đàn hội nghị như là một giải pháp hữu hiệu cho hoạt động phát triển kinh tế. Ở Huế có nhiều trường ĐH và trung tâm nghiên cứu có liên quan đến nông nghiệp; có chi nhánh của Tổng công ty Lương thực và các siêu thị, doanh nghiệp thương mại... Nhưng thật đáng tiếc là đến nay vẫn chưa thấy rõ có sự liên kết nào cho việc sản xuất, xây dựng thương hiệu và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho hạt gạo và các sản phẩm nông nghiệp nói chung. Đến bao giờ gạo Huế mới... lên ngôi? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ.
 

Hoàng Thành