Những năm gần đây, yếu tố xã hội hóa trong phát triển văn hóa-du lịch ở Huế đã xuất hiện nhiều nhân tố mới. Chỉ riêng công tác tu bổ các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn, nhân dân đã đóng góp khoảng 6 tỷ đồng, bảo tồn một số thiết chế văn hóa truyền thống có giá trị đã xuống cấp. Vai trò xã hội hóa cũng ngày càng rõ nét hơn qua các kỳ festival với sự vào cuộc của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ. Việc một số bảo tàng ở Huế kết nối được với các nhà sưu tầm cổ vật trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều hơn các cuộc triển lãm, trưng bày cũng là một hướng đi tích cực trong công tác xã hội hóa hoạt động bảo tàng. Tuy nhiên, ngoài những hoạt động có tính bề nổi, xu hướng xã hội hóa, kêu gọi tư nhân đầu tư sâu hơn, lâu dài hơn vào các sản phẩm văn hóa-du lịch cụ thể lại chưa nhiều và rõ nét. Điển hình như đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, nếu có chủ trương, cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư sớm, với những ưu đãi cụ thể về hỗ trợ vốn, ưu đãi giá thuê đất… thì có lẽ dự án phố đêm này đã không đến nỗi cứ loay hoay mãi chưa tìm được cách làm như hiện nay.

Không riêng mảng sản phẩm du lịch di sản gắn với văn hóa cung đình, một số ý kiến cho rằng, ngay mảng bảo tàng, với nhiều bộ sưu tập cổ vật cá nhân có giá trị như hiện nay, nếu có cơ chế phù hợp, Huế dư sức hình thành các bảo tàng tư nhân, tạo thêm điểm đến cho du lịch Huế, như các bộ sưu tập gốm đồ sộ của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan là một ví dụ.
Tuy nhiên, ngoài những ưu thế như huy động được tiềm lực bên ngoài, vấn đề xã hội hóa trong làm văn hóa và du lịch không phải không có mặt trái, đặc biệt là nguy cơ thương mại hóa mà dịch vụ ca Huế trên sông Hương là một ví dụ. Chưa kể, với đặc thù của vùng đất di sản, việc giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển luôn luôn có ngưỡng giới hạn khá nhạy cảm. Điều này khiến chúng ta nhớ lại câu chuyện làm dịch vụ ở Lầu Tứ Phương Vô Sự (Đại Nội-Huế). Đây cũng là một kinh nghiệm trong việc tư nhân hóa các dịch vụ văn hóa phục vụ du lịch ở Huế, đòi hỏi nhất thiết phải có vai trò tư vấn của các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, lỗi chắc chắn không do yếu tố xã hội hóa mà vấn đề là ở cách làm. Nếu chúng ta có chủ trương, cơ chế tốt, có sự đầu tư nghiêm túc về hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm cụ thể thì yếu tố xã hội hóa chắc chắn sẽ tạo thêm được nguồn lực quan trọng để thúc đẩy hai thế mạnh lớn của Huế và văn hóa-du lịch phát triển đúng hướng.
 
Nhật Nguyên