Bản đồ thủy diện làng Hà Trung (nhờ công phò giá chúa Nguyễn của các vị thủy tổ)

Trong quá trình xác lập một chính thể mới trên vùng đất mới phương Nam, chiến lược nhân tâm đặc biệt được các chúa Nguyễn quan tâm, nhằm nhấn mạnh tính chính danh, chính nghĩa, được cả Người (nhân tâm) lẫn Thần (ý Trời) ủng hộ. Việc trả ơn các vị công thần thông qua ban thưởng đặc ân vật chất, thiết lập đền miếu, định lệ nghi lễ cúng tế... được các chúa Nguyễn, rồi vua Nguyễn hết sức cổ súy, để “đền ơn đáp nghĩa” và thu phục nhân tâm.

Nhờ tính thiêng của đời sống nghi lễ mà di sản văn hóa được bảo lưu thông qua nghi thức cúng tế, cơ sở thờ tự, lăng mộ, đồ tự khí, đặc biệt là những giai thoại truyền khẩu dân gian và di sản Hán Nôm đồ sộ. Tất cả, nổi bật vai trò của hòm bộ của làng xã và dòng họ lên tới hàng chục ngàn trang, vai trò của hội đồng hương lão, vị thủ bộ, thủ sắc của làng xã, ông thủ từ của dòng họ... gắn liền với nhiều qui định nghiêm khắc. Khi chính sử ít đề cập thì đó là kho dữ liệu quan trọng để tìm hiểu dấu ấn thời chúa Nguyễn trong đời sống làng xã, dòng họ, về kinh tế, văn hóa: phong tục tập quán, lễ nghi...

Trong xã hội Việt Nam truyền thống, làng xã và gia tộc là đơn vị xã hội căn bản. Đặc biệt từ thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn, chính nền tảng căn bản này đã tạo nên sức mạnh đem lại thành công vượt bậc trong quá trình Nam tiến nhờ phương thức “Việt hóa” những yếu tố “phi Việt”. Làng xã, dòng họ và những nhân vật lịch sử cụ thể có nhiều đóng góp cho lịch sử xứ Đàng Trong đã được phủ chúa, triều đình Huế ghi nhận (ban cấp tự điền, phu miếu, miễn thuế má và phu phen...), là một sự vinh danh đặc biệt quan trọng, được cộng đồng trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị.

Tượng thờ Thích Quốc công Nguyễn Ư Dĩ ở Trà Liên (Quảng Trị)

Kể từ năm 1945, triều Nguyễn cáo chung trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân gắn liền phản đế và phản phong thì nền tảng làng xã và dòng họ truyền thống không còn được thừa nhận. Cho nên, làng xã và dòng họ truyền thống thiếu nhiều điều kiện, dẫn đến nguy cơ mai một, biến mất nhiều di sản văn hóa, rất khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Điều đó đặc biệt khẩn cấp khi hiện nay phổ biến tình trạng “giải thiêng”, trộm cắp cổ vật, tự khí; nạn trộm cắp và thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ mối mọt... luôn rình rập những hòm bộ tài liệu Hán Nôm. Nó đòi hỏi cần kịp thời có những hoạt động tư vấn bảo quản di vật, số hóa và phiên dịch, công bố văn bản Hán Nôm.

Bước đầu, chúng tôi đã tiếp cận được nhiều tư liệu, hiện vật quí giá được cộng đồng làng xã và gia tộc bảo tồn hữu hiệu, có liên quan trực tiếp, gián tiếp tới vai trò của vùng dinh phủ xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn. Cụ thể là những dấu tích về Thích Quốc công Nguyễn Ư Dĩ ở làng Trà Liên, Trão Trão phu nhân ở làng Ái Tử (thị xã Quảng Trị), Bà Tơ ở làng An Mô (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), Bà Tơ ở làng Bác Vọng (huyện Quảng Điền), làng Thủy Tú (Hương Vinh - Hương Trà), làng Hà Trung (Vinh Hà - Phú Vang), dòng họ Trương Phước ở làng Giam Biều (Hương Hồ - Hương Trà), Trà Quận công và Trà Quận công phu nhân ở làng Diêm Trường (Vinh Hưng - Phú Lộc).

Dấu tích thời chúa Nguyễn qua các di tích, di vật, văn bản Hán Nôm hiện còn ở các làng xã, gia tộc là nguồn tài liệu đặc biệt quí hiếm, chứa đựng nhiều ký ức sống động về lịch sử, văn hóa. Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc triều Nguyễn được UNESCO công nhận, nhờ đó, nỗ lực nghiên cứu, trùng tu càng được đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, thời chúa Nguyễn xứ Đàng Trong có tính nền tảng lại chưa được quan tâm đúng mức. Khi ngân sách Nhà nước chưa đủ đầu tư thì xã hội hóa là phương thức hữu hiệu, nhất là tiếp cận trực tiếp với chủ thể làng xã, dòng họ. Thử nghiệm thành công chương trình này, chúng tôi sẽ mở rộng địa bàn khảo sát ra khắp các tỉnh miền Trung, miền Nam; mở rộng đối tượng khảo sát là dấu tích thời vua Nguyễn ở làng xã và dòng họ... 

Công việc đặt ra cấp thiết trước mắt cũng như lâu dài là hoàn tất việc khảo sát, kiểm kê, phân tích giá trị trên nhiều phương diện của những dấu tích hiếm hoi thời chúa Nguyễn ở làng xã, dòng họ (di tích lăng mộ, miếu thờ, di vật, di sản Hán Nôm, lễ nghi, giai thoại dân gian); đặc biệt chú trọng phiên dịch, nghiên cứu và bảo quản tài liệu Hán Nôm; hỗ trợ trực tiếp cho làng xã, dòng họ, cùng ngành văn hóa của tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tham gia làm tốt việc phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị các dấu tích thời chúa Nguyễn (đền miếu, lăng mộ, đồ tự khí, di sản Hán Nôm...) theo phương thức xã hội hóa.

TS. Trần Đình Hằng