Theo TS.KTS Đặng Minh Nam, Phó trưởng khoa Kiến trúc ĐH Khoa học Huế, về mặt môi trường tự nhiên, công viên đóng vai trò là không gian cải tạo được môi trường, như lá phổi xanh trong đô thị; về mặt xã hội, công viên mang tính công cộng, nếu không khai thác đúng sẽ đánh mất chức năng chính, biến thành nơi dành cho các đối tượng khác, sử dụng với mục đích khác. Cần thu hút sự tham gia của cộng đồng vào công viên, xây dựng môi trường sinh hoạt văn minh chung, dưới sự giám sát của cộng đồng. Các thiết kế kiến trúc trong công viên phải tuân theo một quy chuẩn xây dựng nhất định để hài hòa và không phá vỡ cảnh quan chung. 

Hiện nay, tất cả các công viên cảnh quan hai bên bờ sông Hương đều có dựng các lều quán, ki-ốt cho thuê, hoặc các xe đẩy, hàng gánh mua bán tự phát của người dân. Bên cạnh đó, biển quảng cáo được dựng khá nhiều ở các công viên, nhất là công viên dọc sông Hương ở đường Kim Long. Trong khi đó, bảng nội quy của Trung tâm Công viên cây xanh dựng ở các công viên có quy định cấm mọi hình thức mua bán kinh doanh và dựng biển quảng cáo trong công viên.
Tiếc rằng, ở nhiều công viên trong thành phố, trước đây là điểm vui chơi cho các cháu thiếu niên nhi đồng trong những dịp lễ, ngày nghỉ trong tuần: Đi tàu lượn, nhảy ngựa, ném bóng, đùa vui với đu quay… là những trò chơi thu hút các cháu. Đi công viên là đòi hỏi của các cháu trong ngày nghỉ mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng chiều chuộng trước yêu cầu chính đáng ấy. Thế nhưng, các công viên, trung tâm vui chơi của thanh thiếu nhi bây giờ đã biến dạng. Hàng quán nhếch nhác, cà-phê cóc ven công viên đã “tiệm cận” tranh giành sân chơi này làm nơi kinh doanh mua bán với đủ loại hình. Đi qua một số công viên thấy cảnh nhếch nhác, ai cũng chạnh lòng. Huế thơ, Huế mộng sao lại nhếch nhác như thế này?
Một hình ảnh cụ thể: Nằm bên dòng sông Hương cổ tích, đường Trịnh Công Sơn mới được đặt tên từ tháng 3-2011, là một nét mới trong đời sống văn hóa xã hội thành phố Huế. Điểm nhấn của con đường này là công viên cảnh quan dạng “mở” dọc sông Hương đang được hoàn thiện dần. Thế nhưng không gian “vàng” này đang bị các quán “nhậu” chiếm dụng để kinh doanh. Người dân đi dạo buộc phải đi trên con đường vốn đã nhỏ hẹp này, luôn phải đối mặt với nguy cơ bị tai nạn do những thanh niên đi mô-tô lạng lách, tăng tốc nhanh trong hơi men chếnh choáng. Ông Trần Trọng Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cát cho biết, hiện nay có khoảng 32 hộ đang kinh doanh buôn bán tại đường Trịnh Công Sơn, không đăng ký kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh. Ông Phan Đình Ngôn, giám đốc Trung tâm CVCX, cho biết khi Đội quy tắc đô thị đến giải tỏa vùng đất công viên bị chiếm dụng đã bị chủ quán và người làm bao vây, ném chai bia trước mặt để cảnh cáo. Nếu chính quyền địa phương luôn kết hợp tốt như ở phường Trường An thì tình trạng lấn chiếm để kinh doanh như ở đường Trịnh Công Sơn sẽ giảm bớt. Vừa qua, chính quyền địa phương phối hợp với các lực lượng công an, Đội quy tắc đô thị xử lý việc lấn chiếm của các hàng quán ở đường Trịnh Công Sơn, nhưng tình hình trật tự ở đây vẫn rất căng thẳng, tình trạng lấn chiếm công viên thường xuyên xảy ra. Thời gian đầu đội công tác của phường đã bị người của các hàng quán tập trung đông vây quanh, mắng chửi và có hành vi đe dọa. Về sau, cứ đến buổi chiều các hàng quán này tổ chức người bám sát theo lịch trình động thái của đội công tác phường và lực lượng công an để báo động cho chủ quán nếu lực lượng sửa soạn ra quân. Khi nào đội công tác không làm việc, các hàng quán lại tiếp tục lấn chiếm công viên để kinh doanh.
Để tái lập trật tự đô thị và tình trạng chiếm dụng công viên để kinh doanh, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương, Trung tâm CVCX và các cơ quan chức năng, không thể để tình trạng nhếch nhác thiếu văn minh đô thị tồn tại khi thành phố đang tập trung xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa kiểu mẫu, là đô thị hạt nhân của Thừa Thiên Huế trong tiến trình tiến đến thành phố trực thuộc Trung ương.
 

Chiến Hữu – Tấn Chính