Ví như chuyện hai đứa con tôi chỉ mới sau chưa đầy một tháng tới trường thì ngày mai, vẫn còn là mùa thu, đã có ngày nghỉ học đầu tiên trong quỹ chương trình dành cho những ngày bão lụt trong năm. Cơn bão số 4 chuẩn bị đến. Không biết là chỗ nào đây sẽ là tâm bão trong dải đất hẹp, kéo dài từ Quảng Bình đến Quảng Nam mà Huế là trung tâm.
Cũng rất tình cờ, trong cái đêm mưa gió này, lục tìm trong đống sách cũ của mình, tôi bắt gặp cuốn tạp chí Sông Hương số 16 phát hành cuối năm 1985, thời Tổng Biên tập là nhà thơ đáng kính Nguyễn Khoa Điềm và là năm xảy ra cơn bão số 8 lớn nhất trong vòng mấy mươi năm qua ở vùng đất Huế. Cuốn tạp chí in bằng loại giấy kém chất lượng, nhàu nát, úa vàng. Trong đó, Ban Biên tập đã dành 2 bài viết về cơn bão số 8. Một bài ký tên Sông Hương với đầu đề “Cơn bão số 8 và nghĩa tình bè bạn” và bài kia là một phóng sự của Nhà văn Nguyễn Quang Hà “Hương Phú- 30 ngày sau bão”. Tạp chí số này không có được nhiều bài viết, bởi trước đó Sông Hương đã có sáng kiến phát hành phụ trương đặc biệt “Huế- Bình Trị Thiên trong cơn bão số 8”. Và, câu chuyện về cơn bão số 8 xảy ra đã 26 năm, vậy nhưng đọc lại những bài viết, ta như bắt gặp lại cái cảm xúc như mới hôm qua thôi, lo lắng, bồn chồn và ngạc nhiên đến ngỡ ngàng bởi những gì phải trải qua và được chứng kiến. Phải nói rằng, cơn bão số 8 đổ bộ vào Huế- Bình Trị Thiên đã là một ác mộng lớn. Người Huế đã so sánh nó với cơn bão năm Thìn lịch sử cách đó 81 năm, một chu kỳ quá lớn so với đời người.
Người Huế lâu nay đã quen với cảnh sống với lụt như thế này. Ảnh: TL
Đan Duy