Tuy chưa nhiều, nhưng việc tổ chức đào tạo “theo đơn đặt hàng” và “có địa chỉ” là vấn đề đang được quan tâm. Từ năm 2005 đến nay, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm của Hội Nông dân tỉnh đã đào tạo và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho hơn 2.000 lao động. Nhiều học viên của Trung tâm đang làm việc tại các công ty may mặc lớn trên địa bàn tỉnh. Ngoài các nghề thông dụng, Trung tâm còn phối hợp với Trường trung cấp nghề Công nghiệp tàu thủy III, tổ chức đào tạo nghề đóng tàu cho 78 học viên. Đến nay, 100% học viên đã tốt nghiệp và được bố trí làm việc tại các nhà máy đóng tàu khu vực miền Trung và Nam bộ...
 
Cũng theo cách làm trên, cuối tháng 6 vừa qua, tại xã Hương Lâm (A Lưới) Trung tâm Dạy nghề Thanh niên tỉnh phối hợp với Huyện Đoàn A Lưới tiến hành chuyển giao 29 lao động trên địa bàn huyện đã tốt nghiệp nghề may công nghiệp về làm việc tại Công ty Scavi Huế. Tại buổi tiếp nhận, đại diện lãnh đạo Scavi đã cam kết tạo thuận lợi về chỗ ở, bảo đảm các chế độ chính sách để người lao động yên tâm làm việc lâu dài tại công ty. Theo Huyện đoàn A Lưới, đến nay, số lao động nói trên đã làm việc ổn định tại Scavi ở Phong Điền...
 
Về phía doanh nghiệp, Scavi Huế là một trong những đơn vị chủ động trong việc “đặt hàng” với các cơ sở đào tạo để giải quyết bài toán nhân lực. Công ty đã hợp tác với Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế trong việc đào tạo và tuyển dụng sinh viên của trường về làm việc tại công ty. Lãnh đạo Scavi đã có buổi gặp gỡ, nói chuyện với sinh viên và cho rằng, sinh viên các chuyên ngành Kinh tế, Ngoại ngữ, Quản trị kinh doanh, Công nghệ... là những ngành học phù hợp với xu thế phát triển nhân lực của Scavi ở Huế và ở Lào. Scavi Huế cũng đã hợp tác với Trường trong việc đào tạo giáo viên mầm non để dạy cho các cháu là con em công nhân công ty... Cũng từ mối liên kết này, tháng 5 vừa qua, 24 học viên là các chuyền trưởng làm việc tại Scavi Huế đã tốt nghiệp khoá bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp do Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế đào tạo.
 
Theo dự báo, đến năm 2015 Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và các KCN của tỉnh sẽ cần khoảng trên 34.000 lao động có chuyên môn, tay nghề... Giải bài toán cung - cầu lao động cho phát triển là vấn đề cần được đặt ra, nếu không làm tốt sẽ dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động. Được biết, vừa qua Trung tâm Tư vấn dịch vụ việc làm thuộc Ban quản lý KKT CM-LC đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và huyện Phú Lộc mở 3 lớp đào tạo nghề về nghiệp vụ du lịch, công nhân xếp dỡ, cơ khí gò hàn... phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp tại KKT. Trong thời gian đến, Trung tâm sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu tuyển dụng tạo các doanh nghiệp để tổ chức liên kết đào tạo và tuyển dụng. Ở đây, ngoài vai trò cầu nối của Trung tâm, các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, dạy nghề cần có sự chủ động. Cần thấy rằng, liên kết trong đào tạo và tuyển dụng là giải pháp quan trọng không chỉ cho bài toán nhân lực của các doanh nghiệp nói chung mà cả với kế hoạch đào tạo và tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Hoàng Thành