Hiện nay, trong xu hướng xây dựng nông thôn mới, với những tiêu chí mới, đòi hỏi mỗi làng, xã cần có hướng đi của mình nhằm đạt được những tiêu chí đặt ra trong xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn bền vững. Như vậy, chuyện xây dựng nông thôn mới không còn là việc của hộ gia đình mà là trách nhiệm của cộng đồng. Đã là cộng đồng là có chuyện cùng bàn, cùng làm, cùng vạch ra hướng đi, bước đi thích hợp. Bởi vì xây dựng nông thôn mới không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Muốn bàn chuyện xây dựng nông thôn mới phải có nơi mà bàn, cho nên nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn hình thành bắt nguồn từ việc xây dựng hình ảnh nông thôn mới, giàu có hơn, bền vững hơn.

Hiện nay, trên cả nước số làng, xã có nhà văn hóa mới ở con số 43%. Đây là thiết chế văn hóa do nhân dân đóng góp xây dựng, có sự hỗ trợ của Nhà nước. Vấn đề nóng đang đặt ra là làm sao cho nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng thật sự là nơi hấp dẫn người dân. Ở đó phải có chương trình, nội dung sinh hoạt hữu ích, thiết thực mới tạo không khí mới ở nông thôn. Bàn chuyện thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; thảo luận về chuyên đề nuôi con khỏe, dạy con ngoan; bàn giải pháp thoát nghèo cho các hộ khó khăn; nghe tình hình thời sự trong tỉnh, trong nước, quốc tế; sinh hoạt văn nghệ… Nội dung sinh hoạt càng phong phú thì nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng sẽ là nơi hấp dẫn mọi lứa tuổi đến tham gia sinh hoạt. Bằng không, nhà văn hóa sẽ trở nên buồn tẻ, xuống cấp, lâu ngày cỏ mọc che lấp…

Về cơ sở, thấy rằng nhiều nơi nhà văn hóa có đấy nhưng hoạt động kém hiệu quả nên chẳng ai quan tâm. Có xã, thôn xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng theo phong trào, hình thức chủ nghĩa, họ có nhà văn hóa mình cũng có nhà văn hóa!
 
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 nêu mục tiêu cụ thể: Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2015 và 2020, có 90% đến 100% quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện; 80% đến 90% số xã và thị trấn có nhà văn hóa; 60% đến 70% số làng, bản, ấp có nhà văn hóa…
 
Như vậy, vấn đề đặt ra không chỉ là việc xây dựng cơ sở vật chất. Có nghĩa là xây cái nhà. Điều quan trọng là có nhà văn hóa rồi, cán bộ phụ trách nhà văn hóa là ai? Trình độ ngang cấp nào? Tổ chức sinh hoạt ra sao? Nội dung gì? Đây là điều quan trọng, quyết định hoạt động của nhà văn hóa có phong phú, gắn với nhu cầu văn hóa của nhân dân hay không. Có thể nói, đội ngũ cán bộ nhà văn hóa ở cơ sở vừa thiếu lại vừa yếu. Thực tiễn đặt ra cho chúng ta thấy, nhà văn hóa có sinh động hay không đòi hỏi có cán bộ say mê, tính sáng tạo và điều cốt lõi là biết làm công tác quần chúng. Chính người cán bộ là người tham gia, sáng tạo ra các hình thức hoạt động đúng, trúng với nhu cầu văn hóa của nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều nơi, nhà văn hóa là một nhu cầu thiết thực đối với người dân. Nhà văn hóa là nơi biểu diễn văn nghệ, gặp gỡ giao lưu, nói chuyện thời sự, có khi lại sinh hoạt câu lạc bộ bàn việc trồng cây cảnh, nuôi tôm, nuôi cá, bàn chuyện kế hoạch hóa gia đình, nói chuyện mở trường, làm đường…
 
Tất nhiên khi nhà văn hóa hoạt động có hiệu quả thì sẽ dễ dàng thu hút sự quan tâm đóng góp của nhân dân, của các doanh nghiệp, cá nhân… để có thêm kinh phí hoạt động.
 
Nhà văn hóa và đội ngũ cán bộ cho nhà văn hóa là công việc không chỉ của làng, xã mà cần có sự quan tâm của huyện và ngành chuyên trách mới mong nó hoạt động có hiệu quả. Chúng ta không nên xây dựng nhà văn hóa theo kiểu chạy đua theo số lượng làng, xã có nhà văn hóa để báo cáo thành tích. Cần nhìn thẳng vào thực tế, nơi nào có điều kiện, nhân dân, Nhà nước tập trung xây dựng nhà văn hóa kiểu mẫu, rồi nhân rộng mô hình ra. Có như vậy nhà văn hóa ở cơ sở mới có sức thuyết phục, mới là nơi cần thiết cho người dân.
 
Tại huyện Quảng Điền, Ban chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa làm việc có kế hoạch, cách làm hay đã huy động được sự đóng góp của nhân dân, của nhiều cá nhân, tạo sức mạnh xây dựng nhà văn hóa, cổng chào, làm cầu, mở đường, tạo quỹ khuyến học… làm cho sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng làng xã ngày càng phong phú.
 
Xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng đã khó, duy trì sinh hoạt làm cho nhà văn hóa thật sự là nơi hấp dẫn người dân càng khó khăn hơn. Đây là vấn đề đặt ra cho các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành văn hóa, thể thao và du lịch nghiên cứu để tham mưu, vạch kế hoạch góp phần xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí mới.
 
Ở nông thôn tỉnh ta hiện nay, nhiều làng, nhiều xã đã có nhà văn hóa. Thế nhưng chưa có nhà văn hóa nào thực sự là điểm sinh hoạt hấp dẫn người dân, thậm chí có nhiều nhà văn hóa xây xong bỏ không, xuống cấp thật lãng phí. Có nhà văn hóa vài tháng mới mở cửa một lần. Sinh ra cái nhà văn hóa là để mà hoạt động, hoạt động với nhiều chủ đề làm cho nó sinh động hẳn lên, thu hút mọi tầng lớp tham gia. Khi thì thanh niên, khi thì phụ nữ, rồi dân quân, phụ lão đến đó mà sinh hoạt… Vậy ai là người lĩnh xướng? Cấp ủy, chính quyền địa phương khi xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng cần nghĩ ngay đến vấn đề cán bộ văn hóa cơ sở. Đừng để nhà văn hóa “sinh” ra mà không “động” được.
 
Chiến Hữu