Tại huyện Nam Đông, nhiều hộ gia đình đã tận dụng đất trồng cao su, keo lá tràm để trồng xen cây sắn. Nhiều hộ gia đình khác không chỉ trồng xen mà còn “tranh thủ” khai thác rừng keo từ 4-5 tuổi, bán đi để đưa cây sắn vào. Trồng sắn như là một hướng mở ra cho Nam Đông trong phát triển kinh tế. Được biết, UBND huyện Nam Đông đã có cuộc làm việc với Nhà máy tinh bột sắn Phong An nhằm mở rộng diện tích trồng sắn. Tương tự như vậy, tại Phong Điền nhiều hộ dân cũng bung ra trồng sắn củ. Ngay cả diện tích quy hoạch ở các khu công nghiệp khi chưa kêu gọi được chủ đầu tư, người dân thấy để hoang cũng lãng phí đã “tấn công đất đai” cắm cây sắn xuống. Khi tìm hiểu vấn đề này, người trồng sắn cho rằng nhiều dự án trong khu công nghiệp treo quá nhiều năm, dân thì đang thiếu đất sản xuất nên việc tranh thủ trồng sắn ở diện tích quy hoạch treo là điều nên làm nếu không sẽ lãng phí rất lớn. Không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà các tỉnh miền Trung, trong thời gian qua, diện tích cây sắn phát triển rất nhanh xâm lấn đến các vùng nguyên liệu khác như mía, keo lá tràm, cao su. Điều này cho thấy việc quy hoạch các nhà máy ethanol, nhà máy chế biến tinh bột sắn tập trung ở miền Trung quá nhiều. Nguyên liệu chính phục vụ cho các nhà máy này là sắn củ. Vì vậy để đáp ứng đủ nguyên liệu, cây sắn đã tự phát phát triển một cách ồ ạt, chồng lấn lên các vùng nguyên liệu khác là chuyện thường tình.

Tại Thừa Thiên Huế, khi Nhà máy tinh bột sắn Phong An đi vào hoạt động, đến nay đã thu mua trên 30.000 tấn sắn nguyên liệu của nông dân với tổng giá trị gần 50 tỷ đồng. Bình quân hằng năm Thừa Thiên Huế có diện tích trồng sắn từ 5000 đến 5500 hecta.
 
Theo đề án phát triển nguyên liệu ethanol sinh học đến năm 2015, nước ta cần 750 triệu lít ethanol, tương đương 4,2 triệu tấn khoai mì tươi, chiếm 42% sản lượng khoai mì của cả nước. Việc giải quyết nguồn nguyên liệu cho 6 nhà máy là vấn đề đang đặt ra. Rồi đây việc mở rộng diện tích trồng sắn ngày càng ồ ạt hơn khi các nhà máy đồng loạt đi vào hoạt động.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ có sự biến động về diện tích trồng sắn diễn ra trong 2 năm qua không chỉ do chúng ta đầu tư xây dựng thêm các nhà máy chế biến tinh bột sắn mà nó có nguyên nhân sâu xa là có biến động diện tích trồng sắn trong khu vực. Một số nước có diện tích trồng sắn lớn như Trung Quốc, Thái Lan, sau một thời gian canh tác loại cây này đã làm cho đất đai chai cứng và bị sa mạc hóa không thể trồng các loại cây khác. Và, họ đã khuyến cáo người dân giảm diện tích trồng sắn để giữ tài nguyên đất. Thế là nguồn nguyên liệu hụt hẫng cho các nhà máy, không chỉ ở Việt Nam mà cả trong khu vực. Thế là giá sắn tăng từng ngày, tư thương về nông thôn ra tận ruộng thậm chí đặt cọc trước với nông dân để tranh mua. Người ta tính cứ 1 hecta sắn, người trồng sắn lãi ròng trên 40 triệu đồng...
 
Trước biến động này, các cấp, các ngành nên tham mưu, tư vấn, hoạch định một chiến lược cho việc trồng cây sắn như thế nào cho có hiệu quả. Tránh tình trạng trồng ồ ạt vài năm, sau đó sắn rớt giá rồi không biết chuyển sang trồng cây gì. Vấn đề quan trọng là phải quy hoạch diện tích trồng sắn ở những vùng đất thích hợp, hướng dẫn, đầu tư cho người trồng sắn thâm canh, tăng năng suất cây trồng, không chạy theo quảng canh mở rộng diện tích làm bạc màu đất đai, lấn đất rừng phòng hộ và các loại cây trồng khác làm đảo lộn cơ cấu cây trồng vật nuôi.
 
Thừa Thiên Huế là tỉnh có Nhà máy chế biến tinh bột sắn, ngành nông nghiệp phát triển nông thôn cần điều chỉnh quy hoạch, ổn định vùng nguyên liệu, tuyên truyền, giải thích, vận động cho người dân hiểu để tránh xảy ra tình trạng nay trồng cây này mai trồng cây kia, phá vỡ tính sản xuất bền vững trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Cần có biện pháp mạnh đối với những trường hợp phá rừng phòng hộ để trồng các loại cây khác nhằm hình thành nền nông nghiệp sinh thái, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế nông nghiệp, giữ ổn định diện tích đất đã quy hoạch cho các loại cây trồng.
 
Chiến Hữu