Mới đây, ngay tại thủ đô Hà Nội, một góc trưng bày về công việc của những phụ nữ làm nghề ve chai (đồng nát) khiến người xem xúc động. Xúc động bởi những đôi quang gánh. Những chiếc nón cũ. Những đôi dép mòn vẹt...Đằng sau những hiện vật không mấy xa lạ ấy là những thân phận, những vui buồn đời người mà trong cuộc sống đô thị xô bồ, không phải ai cũng có thời gian lưu tâm. Phía sau hình ảnh tảo tần của những người phụ nữ làm nghề đồng nát là nỗi nhớ nhà khắc khoải, là bóng dáng của những đứa con cắp sách đến trường, là nỗi lo toan cơm áo thường nhật của những người vợ, người mẹ ...

Cách đây vài tháng, trong một lần trò chuyện với một chuyên gia Nhật làm công tác tình nguyện tại Việt Nam, điều ông trăn trở nhất là chuyện ô nhiễm rác thải. Và trong bức tranh chung về môi trường còn khá bề bộn ấy, ông lại nói nhiều đến đội ngũ ve chai. Ông bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi: Huế đã có hệ thống phân loại rác chưa? Tôi trả lời là chưa. Sau một lúc im lặng, ông nói: Có rồi đấy. Đó chính là công việc của những người buôn bán đồng nát. Lớn hơn nữa là các vựa ve chai. Từ công việc mưu sinh hàng ngày, chính họ đã hình thành nên một mạng lưới phân loại và thu gom rác thải, góp phần làm sạch cho các đô thị. Đến đây, tôi ngộ ra. Rằng, không chỉ có thân phận. Không chỉ có mưu sinh. Đằng sau công việc nhọc nhằn, vất vã và có vẻ thấp kém của những phụ nữ ve chai, còn có một ý nghĩa xã hội lớn hơn.
 
Vì công việc, đã lâu, tôi chưa có dịp gặp lại vị chuyên gia người Nhật ấy. Nhưng cái ý tưởng độc đáo và không phải không có cơ sở của ông vẫn còn đó. Một ý tưởng mà thiết nghĩ, nếu những người làm công tác quản lý quan tâm tập hợp, kết nối, hỗ trợ để vận hành đồng bộ mạng lưới đồng nát, không khéo sẽ tạo được một bước đột phá cho Huế trong chuyện xử lý rác thải sinh hoạt. Một ý tưởng không cần nhiều tiền nhưng đòi hỏi nhiều tâm huyết, sự kiên trì và bền bỉ.
 
Kim Oanh