Người di cư di chuyển tới trại tị nạn ở Rigonce, gần biên giới với Croatia. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các nước cho rằng nỗ lực quốc tế đã đem lại nhiều kết quả quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người song quan ngại sâu sắc về tình trạng xung đột, bạo lực cực đoan và cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ Thế Chiến thứ 2 đang tước đoạt các quyền và nhu cầu cơ bản như y tế, giáo dục, lương thực, nơi trú ẩn của hàng trăm triệu người, nhất là phụ nữ, trẻ em, người gia, người khuyết tật.
Các nước nhấn mạnh Liên hợp quốc cần tiếp tục nỗ lực hỗ trợ các quốc gia giải quyết các thách thức, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của mọi người dân.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hết sức để bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển bền vững là nền tảng cho thúc đẩy và bảo đảm quyền con người; đồng thời ghi nhận vai trò của Liên hợp quốc trong thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước trong vấn đề này.
Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững 2030 bởi Chương trình này lồng ghép những nội dung quan trọng của quyền con người, trong đó có quyền phát triển, ưu tiên các nhóm dễ bị tổn thương, góp phần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất an ninh và xung đột như đói nghèo, bất bình đẳng, bất công và tách biệt xã hội.
Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Phương Nga giới thiệu các chính sách và thành tựu nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, nhấn mạnh Việt Nam coi trọng hợp tác và đối thoại và khẳng định Việt Nam, với tư cách thành viên có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước, các đối tác trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên phạm vi toàn cầu.
Theo Vietnam+