2. Thỉnh thoảng có dịp vào Đại Nội, qua đoạn đường ngắn từ bến xe Nguyễn Hoàng đến cửa Ngăn, lại bắt gặp những đụn rác vô tư tấp ven đường. Rác thải có khi là một nắm hoa cúng, đôi tờ giấy lộn, một mớ rau, được chủ nhà thản nhiên quét hất ra đường vào mỗi buổi sáng dù đây là đoạn đường du lịch đông đúc nhất ở Huế dẫn khách vào Đại Nội. Đáng nói hơn, hầu hết người dân ở đây đều sinh sống nhờ vào những ki-ốt bán hàng cho khách du lịch ngang qua tuyến đường này.
3. Mới đây, nhân ngày Môi trường Thế giới (5/6), Huế lại huy động rầm rộ hàng ngàn người dân diễu hành trên đường phố với băng-rôn, khẩu hiệu, cờ hoa. Xích lô, xe máy, xe đạp nối đuôi nhau qua nhiều tuyến phố. Những hoạt động tương tự cũng được tổ chức khá thường xuyên mỗi năm như Ngày khai hội du lịch Thừa Thiên Huế năm 2010, 2011... Trong không khí đông đúc, tưng bừng, một đồng nghiệp làm báo bỗng chép miệng: Hoạt động bề nổi cũng cần thiết. Nhưng sẽ thiết thực hơn nếu tỉnh, thành phố, các ban ngành chức năng có những hoạt động bảo vệ môi trường cụ thể, thiết thực hơn thì hay biết mấy. Những giải pháp thiết thực ấy, lớn là việc xác định lộ trình và quyết tâm xây dựng hệ thống phân loại rác thải, đang vô cùng cấp bách cho một thành phố du lịch như Huế. Nhỏ hơn là việc nâng cao ý thức giữ gìn môi trường cho người dân, trước hết là ở ngay các tuyến, điểm du lịch. Những chương trình, những công việc cụ thể ấy có lẽ là không tiêu tốn quá nhiều tiền. Nói như dịch giả Bửu Ý: “Trên con đường khẳng định Huế là thành phố lễ hội thường trực, không phải nhờ vào một ngân sách to tát mà nhờ vào những ưu tư nỗ lực thường xuyên để giữ gìn thành phố sạch, đẹp, ngăn nắp, lịch sự. Chỉ cần thành phố Huế sạch sẽ và trật tự. Như vậy đã là lễ hội rồi”.
Kim Oanh