Ngày nghỉ cuối tuần, cả nhà tôi kéo nhau cùng về Phú Mậu. Ở đó có nhà hàng Chân Quê, có cả dịch vụ câu cá thư giãn. Nhà hàng thả cá xuống hồ, cho khách thuê cần câu để tìm cái cảm giác “sướng” của một nghề kiếm sống, một thú vui tao nhã là câu cá. Tội nghiệp cho con trẻ. Cả năm chong đèn với sách vở, ngay cả chuyện bình thường kia của bố, của mẹ mà cứ như trong chuyện cổ tích, thèm muốn và khát khao. Thằng con trai lần đầu tiên câu được con cá, hét toáng, suốt đêm nằm ngủ cứ ú ớ một giấc mơ vui.
Vào mùa. Ảnh: Internet
Chạng vạng tối, đi qua cánh đồng lúa Phú Mậu, ngổn ngang gốc rạ, nhìn ra phía xa đồng lúa mênh mông, lại ngửi thấy mùi thân quen, của bùn, của lúa, của rơm rạ, của cả như những giọt mồi hôi của chính mình. Tháng năm âm lịch, hè về, ăn Tết Mồng Năm, là nhớ đến đồng. Đây là thời điểm của nhà nông. Vụ xuân thu hoạch ngập đầy lúa má, rơm rạ là đã bắt tay ngay vào vụ mùa, dọn ruộng, làm đất, gieo mạ và cấy… Chồng vợ, cha con, mẹ con, chị em í ới những giai điệu thanh bình, nhiều nhọc nhằn nhưng mà vui, mà hạnh phúc.
Ở phố, Tết Mồng Năm không vui, có vẻ nhàn nhạt và miễn cưỡng. Ở quê lại khác, đó là thời điểm tất bật. Buổi trưa làm đồng về, làm một bữa mồng Năm thấy đã đời…con cóc. Lại chuyện hái lá mồng năm, thứ gì cũng làm lá nấu uống được. Lại chờ khoảng giờ Ngọ, ra sân thấy mặt trời đứng bóng thì chạy tìm bắt con thằn lằn (thạch sùng) đem nuốt sống với niềm tin ngây ngô, chữa được bá bệnh, đặc biệt là thứ khò khè, hen suyễn. Sau bữa ăn mồng Năm, tôi thích nhất vẫn là được ra đồng, đi bắt cá “nước nóng”. Đây là lúc cao điểm nắng nóng. Nước ở các chân ruộng lúp xúp, nóng hầm hập, cá chịu không thấu, tìm chỗ ẩn núp là những gốc rạ, dưới miếng đất cày hay lỗ trũng có dấu chân người. Trưa hè, nuớc đồng trong vắt lại thấy có những chỗ đùng đục. Đích thị có chú cá đồng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cất công nghiên cứu và đã đưa ra một bản thống kê thú vị liên quan đến du lịch Huế. Không gian Huế, ví như một nước Việt Nam thu nhỏ, bao gồm cả đồng ruộng, sông rạch ven đô, được ông đưa ra vào tiêu chí “độc đáo không nơi nào có được” và “còn hứa hẹn nhiều bí ẩn đang chờ khám phá”. Tôi nghĩ, cũng như tôi, nhà nghiên cứu tuổi đã ngoài “thất thập cổ lai hy” Nguyễn Đắc Xuân đã có một tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng và đề xuất của ông là sự trải nghiệm của chính cuộc đời ông.
Mỗi dịp Festival Huế, tôi vẫn thích thú với hành trình về với những làng quê Thuỷ Thanh, Phú Mậu hay Phong Hoà, nơi có những lễ hội hưởng ứng mang tính cộng đồng, đem lại một nét lạ, đầy xúc cảm. Ví như buổi trưa, đi qua bao tên phố ở Huế để tìm đường về với lễ hội bên cầu ngói Thanh Toàn, bắt gặp ở đó một không gian xanh, người người ngồi trên chiếc cầu gỗ, phía dưới là sông rạch, ruộng đồng, để hưởng ngọn gió nồm mát rượi có thể đưa ta vào những giấc ngủ say… Tôi nghĩ, nhiều người có cùng chung tâm trạng “nhớ đồng” kia như tôi. Họ khao khát được trải nghiệm, tìm về với chính mình, với người thân; khám phá và tìm thấy sự thanh thản, nhẹ nhàng, ít bận lòng và bon chen cùng với màu xanh của những cánh đồng và sự chân chất của những con người ven đô Huế, nơi chốn làng quê.
Đan Duy