Theo quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, BM cùng với Lăng Cô-Cảnh Dương là 1 trung tâm du lịch nằm trong vùng trọng điểm du lịch Quốc gia. Những năm qua, Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh cùng các doanh nghiệp (DN) du lịch, sở chủ quản và VQG BM đã có chủ trương và những quan tâm đầu tư đáng kể cho việc phát triển du lịch tại BM. Theo đó, hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc và một số biệt thự, công trình du lịch được đầu tư tại đây với kinh phí không nhỏ. Năm 2002, chương trình du lịch Ấn tượng sinh thái Bạch Mã cũng được tổ chức khá rầm rộ. Năm 2007, chương trình lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch Ân tượng Bạch Mã 2007 do đơn vị chủ quản là VQG BM phối hợp tổ chức vào dịp 30-4 và 1-5, với hy vọng đánh thức tiềm năng du lịch của vùng đất này... Vậy nhưng, sức hút của du lịch BM và lượng khách đến đây vẫn èo uột. Ấn tượng của du lịch BM cũng mờ nhạt. Một số biệt thự du lịch được đầu tư nâng cấp, xây dựng tại đây luôn trong tình trạng vắng khách và bị xuống cấp theo thời gian. Các doanh nghiệp bỏ vốn cho du lịch BM bị thua lỗ nặng nề và nằm trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Còn bây giờ, các nhà đầu tư vào du lịch BM bó tay!

Lý giải về sự xuống cấp của du lịch BM, VQG BM cho rằng là do thiên tai bão lụt và sự hạn chế của cơ sở hạ tầng. Còn một số doanh nghiệp ngành du lịch thì cho rằng, du lịch Bạch Mã không phát triển là do tình trạng độc quyền, cát cứ của VQG BM khiến các DN đầu tư vào đây khó làm ăn (!) Tuy nhiên, có một thực tế hiển nhiên là cho đến nay chương trình kế hoạch đầu tư và phát triển du lịch Bạch Mã nói chung còn khá mờ nhạt. Việc đầu tư nâng cấp và phát triển hạ tầng hoàn toàn phụ thuộc vào kế hoạch và nguồn vốn Trung ương. Sự liên kết giữa các DN du lịch với nhau và với VQG BM... hầu như không có. Tình trạng mạnh ai nấy làm, đũa chưa thành bó trong phát triển và kinh doanh du lịch ở đây đã làm cho tiềm năng du lịch BM đang bị lãng phí.
Trong quá khứ chưa xa, BM đã từng là một vùng du lịch khá sôi động. Trong 5 năm 2001-2005, lượng khách bình quân đến BM là 12.300 lượt/năm, trong đó khách quốc tế chiếm gần 20%. Tình trạng hoạt động chập chờn lâu nay cùng với việc đóng cửa trong hơn 2 năm tới sẽ khiến các DN đầu tư vào du lịch BM càng khó khăn hơn. Đành là thế, nhưng chính xác là bao giờ BM sẽ mở cửa trở lại và khi đó hạ tầng của BM sẽ ra sao, hoạt động du lịch tại BM sẽ như thế nào??? Đó là những câu hỏi, những mối quan tâm lớn không chỉ của các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào BM, mà cả với những ai quan tâm đến vùng du lịch độc đáo này. Đã đến lúc cần phải thông tin đầy đủ về kế hoạch nâng cấp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại VQG BM đến với các nhà đầu tư và công chúng, đồng thời bắt tay vào việc xây dựng chiến lược đầu tư phát triển lâu dài cho du lịch Bạch Mã từ sau 2013. Nếu không được quan tâm, BM sẽ tiếp tục rơi vào... lãng quên!
Hoàng Thành

Với khí hậu ôn hoà và mát mẻ, hệ động thực vật phong phú và đa dạng, phong cảnh thiên nhiên kỳ thú và hấp dẫn... Bạch Mã (BM) được xem như Sa Pa, Đà Lạt của miền Trung. Trước đây vào các dịp hè, BM là điểm đến hấp dẫn không chỉ với giới học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên trên địa bàn tỉnh, mà còn là điểm dừng chân lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế. Vậy nhưng mấy năm qua, trong khi lượng du khách đến Việt Nam và đến Huế nói riêng tăng bình quân từ 15% đến 20%, thì số lượng khách trong nước và quốc tế đến BM giảm dần. Do yêu cầu đầu tư nâng cấp hạ tầng đường lên đỉnh BM, gần đây Vườn Quốc gia (VQG) BM đã hạn chế việc đón khách. Thông tin mới nhất cho hay, từ năm 2011 đến đầu 2013, VQG BM đóng cửa tất cả các hoạt động du lịch. Còn trong tương lai, hoạt động du lịch BM sẽ ra sao?