Cũng về sách, tôi không sao quên được những chuyến vượt đèo khảo sát thực trạng các thư viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh cách đây vài năm. Những thư viện tuyến huyện ba không: không thủ thư chuyên trách; không phòng đọc; không kinh phí hoạt động thường xuyên. Nhiều nơi, sách phải bỏ bao, chất đống vào kho.
Cũng không khỏi vui mừng khi có nơi, như ở huyện Quảng Điền, cùng với phong trào xây dựng làng, xã văn hóa, người dân đã tự nguyện xây dựng hàng chục tủ sách. Tự nguyện góp sách. Tự nguyện phục vụ không lương. Có tủ sách lên đến hàng vạn đầu sách, chưa kể báo và tạp chí… Và thống kê cũng cho thấy, hễ làng nào, xã nào có nhiều tủ sách thì nơi đó con em học tập tốt, đỗ đạt nhiều.
Để duy trì, phát triển thói quen đọc sách của người dân, đặc biệt là giới trẻ, đang dần mai một trước sự lấn át của văn hóa nghe, văn hóa xem, mới đây, Bộ Thông tin Truyền thông đã có sáng kiến lấy ngày 23-4 hàng năm làm Ngày Đọc sách Việt Nam. Nhưng để khơi dậy văn hóa đọc cho cả một đất nước, không chỉ một ngày hội hàng năm mà đủ. Đó phải là ý thức tạo thói quen đọc sách cho con em trong mỗi gia đình, mỗi trường học, mỗi làng, xã… mà ngoài ý thức ra, cái quyết định trước hết phải làm sao đưa sách đến được với người đọc.
Không chỉ là sự tự nguyện của nhân dân. Việc hình thành những tủ sách phục vụ nhân dân cần phải đưa vào chỉ tiêu, nghị quyết Đảng bộ cấp huyện, cấp phường, cấp xã bởi sự đói sách, đói văn hóa, về lâu dài, còn nguy hại hơn cả thiếu ăn, thiếu mặc. Và không biết, trước thềm kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới, có ứng cử viên nào đã hứa với cử tri chưa? Rằng, nếu được bầu chọn, họ sẽ làm gì để cải thiện văn hóa đọc cho con em vùng sâu, vùng xa, như vận động hình thành những thư viện làng, thư viện xã chẳng hạn?
Tiểu Muội