1. Ở Huế có hàng chục cơ sở sản xuất mè xửng, nhưng Thiên Hương là thương hiệu được đông đảo người dân Huế và du khách tìm mua. Để được khách hàng tin dùng, những năm qua, Thiên Hương không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã bao bì; đồng thời quan tâm đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng hình ảnh của thương hiệu. Thiên Hương đã tích cực tham gia các hội chợ, hội thi ở phạm vi khu vực và quốc gia để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm... và đã nhận được nhiều giải thưởng lớn có uy tín như: Sao vàng Đất việt, Cúp Sen vàng vì thương hiệu Việt, Hàng Việt Nam chất lượng cao... và nhiều huy chương, bằng khen trên các lĩnh vực.

Không quá lời khi nói rằng, ở Huế đi đâu cũng “gặp” mè xửng Thiên Hương. Việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh và uy tín thương hiệu đã tạo điều kiện thuận lợi cho mè xửng Thiên Hương từng bước mở rộng hệ thống tiêu thụ không chỉ tại Huế, mà còn vươn rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước...

 


Dây chuyền sản xuất mè xửng Thiên Hương

2. Thành Vân và Đảnh Vân là 2 thương hiệu nước mắm có “tên tuổi” trong số hàng trăm cơ sở sản xuất nước mắm của Thừa Thiên Huế. Cơ sở sản xuất nước mắm Thành Vân do bà Nguyễn Thị Vân ở xã Phú Thuận (Phú Vang) đầu tư xây dựng từ năm 2004. Sau khi đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu, nước mắm Thành Vân đã không ngừng nâng cao sản lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ trong cả nước.
Tiếp bước thành công của Thành Vân, năm 2006, 2 chị Hoàng Thị Đảnh và Hồ Thị Vân ở xã Phong Hải (Phong Điền) hùn vốn mở cơ sở sản xuất nước mắm có quy mô với thương hiệu Đảnh Vân. Sản xuất theo hướng công nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm nước mắm Đảnh Vân không ngừng phát triển. Năm 2010, Đảnh Vân sản xuất và tiêu thụ 48.000 lít nước mắm, tăng gần gấp đôi năm 2009. Nhờ có thương hiệu và nhiều lần được tham gia các hội chợ... sản phẩm của Đảnh Vân đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường nhiều tỉnh, thành miền Trung. Bằng chất lượng và thương hiệu của mình, năm nay, ngoài việc mở rộng thị trường trong nước, Đảnh Vân còn xuất sản phẩm sang Mỹ. Lô hàng đi Mỹ đầu tiên của Đảnh Vân là 4.000 lít nước mắm. Sau Mỹ, thị trường tiếp theo mà Đảnh Vân nhắm tới là Pháp. Mở rộng sản xuất và tiêu thụ, Đảnh Vân không chỉ tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại chỗ, tăng giá trị thuỷ sản của ngư dân địa phương; mà còn giới thiệu với khách hàng về một sản phẩm truyền thống của Thừa Thiên Huế... Trước đó, Tấn Lộc đã thành công với việc xây dựng và quảng bá thương hiệu các đặc sản: tôm chua, ruốc, mắm... truyền thống của Huế đến với người tiêu dùng trong cả nước.  
3. Rượu gạo Thuỷ Dương “êm đềm sâu lắng lạ” cũng là một sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến. Thực ra, rượu gạo truyền thống không xa lạ ở nhiều địa phương của tỉnh, thế nhưng đầu tư sản xuất theo hướng công nghiệp và xây dựng thương hiệu sản phẩm để quảng bá, mở rộng tiêu thụ một cách chuyên nghiệp là cách làm của một phụ nữ còn khá trẻ: Phạm Thị Khánh Tâm. Bằng lối đi này, chỉ trong một thời gian ngắn, thương hiệu Rượu gạo Thuỷ Dương đã phát triển mạnh với nhiều sản phẩm có chất lượng ổn định, kiểu dáng bao bì đẹp, giá cả hợp lý và được đông đảo khách hành đón nhận...
Tuy hành trình đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp có khác nhau; nhưng đây chính là sức mạnh để các cơ sở sản xuất kinh doanh; đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ truyền thống giới thiệu, quảng bá đưa sản phẩm ra khỏi ranh giới nhỏ hẹp của địa phương và tự khẳng định mình. Rất tiếc, đến nay việc xây dựng và quảng bá thương hiệu chưa được nhiều doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế quan tâm đầu tư đúng mức.
Hoàng Thành