Ngoài việc lên chương trình, kết nối nhạc công, ca sĩ, tìm kiếm các nguồn tài trợ... điều mấu chốt để Nhạc quán duy trì hoạt động của mình là liên kết với Cty CP Huetravel. Nghĩa là ngoài điểm diễn, Huetravel đã có những cam kết về điều kiện, thái độ phục vụ và và chỉ tính thêm phụ phí phục vụ vào giá thức uống... phù hợp với điều kiện cụ thể của Huế.

Với lịch biểu diễn mỗi tháng 2 chương trình và với sự giúp đỡ, tài trợ của một vài “mạnh thường quân”, Nhạc quán bước đầu định danh cũng như xác lập được một điểm đến như những người tổ chức mong muốn. Nhưng lần gặp mới đây với nhạc sĩ Lê Phùng, Phó Chủ tịch Hội VHNT Thừa Thiên Huế - một trong những người tiên phong và ấp ủ nhiều dự định cho Nhạc quán, nghe giọng anh chùng hẳn xuống khi bảo: “Khó lắm...”. Trò chuyện, mới nhận ra, cái “khó lắm” ấy không phải vì những người tổ chức hay các nhạc công, ca sĩ… thiếu “lửa” mà xuất phát từ sự thiếu chia sẻ từ phía khán thính giả.
Không biết có phải chỉ được hiểu là chương trình mang tính phục vụ, nên đa phần người đến với Nhạc quán chỉ đơn giản là để có một hay vài chiếc ghế cho mình và những người đi cùng. Thức uống không phải là điều cần thiết, nên khách không có nhu cầu. Rất nhiều người đã chọn cách “tự phục vụ” bằng việc mang theo. Giọng Lê Phùng tự nhiên khàn hẳn khi bảo, có không ít người đến Nhạc quán sau khi đã ăn uống no nê ở những nơi khác, thậm chí có người còn mang rượu đến và chỉ có mỗi nhu cầu mượn ly hoặc không cần ly. Điều này, nghe thật… xấu hổ và có điều gì ngậm ngùi cho một kiểu ứng xử cho cái gọi là thưởng ngoạn văn hóa.
Lê Phùng bảo, mỗi chương trình của Nhạc quán cần một chi phí tối thiểu là 8 triệu đồng. Tôi lại một lần nữa ngùi ngẫm khi anh bảo, khách đúng là có đông thật, nhưng cho đến thời điểm này, phần “đóng góp” của khán thính giả qua phụ phí thức uống đêm nhiều nhất cũng chỉ đạt ngưỡng 1,8 triệu đồng. Phần tài trợ cũng giới hạn và chỉ ở những chương trình đầu. Cũng tại buổi chuyện trò, khi trả lời câu hỏi là có lẽ cần phải “phân khúc” thị trường và phải nghĩ đến việc kết nối với các đơn vị du lịch, lữ hành để chọn lựa đối tượng khách, nhạc sĩ Lê Phùng nói ngay: “Có phải chúng tôi không nghĩ và không làm đâu, chỉ có điều là người ta thờ ơ quá, nhạt nhẽo quá. Nếu được phỏng vấn, tôi sẽ nói thẳng, các công ty du lịch ở mình chỉ thích dựa vào những gì có sẵn…”.
Hiểu một cách khác đi, khi đến Nhạc quán, tìm cho mình một chiếc ghế và hướng về sân khấu, lắng nghe... có lẽ, ai cũng muốn mình là người có “lửa”. Chỉ tiếc là, nhiều người trong số đông đã quên rằng, họ cần phải đánh diêm và cùng nhau “nuôi lửa”. Nên Nhạc quán đang nguội dần đi...
Có bao nhiêu “nhạc quán” của Huế cũng đang và đã khuất mờ chỉ vì người ta không biết “đánh diêm” như thế...
Hạnh Nhi