Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng cần phải hợp tác với Nga về vấn đề Syria. Ảnh: Brecoder

Phát biểu trên được đưa ra trước cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Nga, Pháp và Ukraine được tổ chức tại Berlin vào tối qua (12/9) để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó vấn đề Syria dự kiến cũng được đưa ra bàn thảo.

Một nguồn tin cho biết, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã có một cuộc tranh luận dài về vấn đề Syria bên lề cuộc họp. Theo đó, "cả hai Bộ trưởng đồng ý cung cấp những hỗ trợ chính trị vững chắc cho Đặc phái viên Liên Hợp quốc (LHQ) tại Syria Staffan de Mistura và kế hoạch của ông để tạo ra một nhóm liên lạc Syria".

Đặc phái viên De Mistura đã mời các bên tham chiến tham gia vào các nhóm làm việc do LHQ dẫn đầu để giải quyết các vấn đề bao gồm chính trị và hiến pháp, quân sự và các vấn đề an ninh.

Hôm 11/9, Nga đã kêu gọi hợp tác với Hoa Kỳ để tránh “sự cố ngoài ý muốn”, khi Nga đang trong giai đoạn tập trận hải quân ngoài khơi bờ biển của Syria, nơi các quan chức Mỹ cho rằng Moscow đang xây dựng lực lượng để bảo vệ đồng minh lâu dài là Tổng thống Bashar al-Assad.

Phương tiện truyền thông nhà nước Syria hôm qua cho biết, 2 máy bay Nga chở 80 tấn hàng viện trợ nhân đạo đến Syria. Một ngày trước đó, Nga thông báo đã gửi trang thiết bị quân sự để giúp Chính phủ Syria chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ báo địa phương trong nước, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cảnh báo Nga không nên tự ý hành động tại Syria: “Tôi hy vọng rằng Nga không phụ thuộc vào sự tiếp diễn của cuộc nội chiến Syria.”

Riêng trong một bài viết của tờ New York Times, Ngoại trưởng Steinmeier cho biết thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và 6 cường quốc thế giới đã tạo ra một cơ hội để giải quyết những rắc rối của Syria, nhưng ông lo ngại cơ hội để thực hiện những tiến bộ đang mờ dần.

“Sẽ là điên rồ để tiếp tục đặt cược vào một giải pháp quân sự”, ông nói. “Đây là lúc để tìm ra một giải pháp đưa các bên vào bàn đàm phán. Để đạt được điều đó, phải có các cuộc đàm phán trù bị với các đối tác quan trọng trong khu vực như Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như Iran.”

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 11/9 nói rằng, sự leo thang can thiệp quân sự của Nga tại Syria là một dấu hiệu cho thấy Tổng thống al-Assad đang rất lo lắng và chuyển sự lo lắng này cho các cố vấn Nga để được giúp đỡ.

Các nhà ngoại giao EU lo ngại sự hỗ trợ quân sự của Nga sẽ khiến Tổng thống Assad có cảm giác an toàn, dẫn đến việc sẽ không cân nhắc một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến.

 

Bảo Nghi (lược dịch từ Reuters & Newshost)