Hãy nói lên sự thật

Chúng ta đang sống và làm việc trong một môi trường tràn ngập sự cởi mở và thân thiện. Song, thời gian qua, cũng có lúc có nơi trên một số phương tiện truyền thông xuất hiện những loại tin tức thiếu trung thực, bóp méo sự thật. Bởi vậy, không còn cách nào khác, nghĩa vụ của nhà báo chân chính là phải cung cấp thông tin chính xác cho độc giả. Bạn hãy thử hình dung, nếu bản thân chủ ý nói dối để có tin, bài cho bằng được, thì khi bị phát hiện, mức độ nghiêm trọng sẽ khó lường.
 
Ngoài việc ảnh hưởng đến danh tiếng của bản thân và cơ quan chủ quản, nguồn tin bị làm hại đó sẽ không bao giờ trả lời phỏng vấn của bất kỳ phóng viên nào đến từ đài, báo của bạn. Do đó, khi bị phát hiện việc đưa tin sai, gây nguy hại, nhà báo phải biết ơn độc giả để rồi dũng cảm cải chính và nỗ lực xin lỗi ngay.
 
Cho dù quan điểm riêng về một vấn đề có khác biệt, nhưng nhà báo phải đưa quan điểm từ mọi phía vào tác phẩm. Đặc biệt, với thể tài điều tra, người viết phải thực hiện nguyên tắc này một cách cố hữu để tránh nghe phản ánh một chiều.
 
Lại nữa, một số nhà báo hay có thói quen phê phán người khác, dẫn đến nguy hiểm ở chỗ nhiều độc giả nghĩ nội dung đó là đúng; vì nó được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Vậy, những đối tượng này hãy tự dặn lòng tỏ ra thận trọng trước khi phê bình hành vi của người khác, hoặc một hiện tượng xã hội mà mình cho rằng sai trái; vì nó dễ gây tác dụng ngược lại.
 
Trước nhiều ý kiến còn khác nhau, chúng ta hãy bày tỏ quan điểm dứt khoát của mình để tẩy chay những trường hợp lấy cắp tin, bài và ảnh của người khác sử dụng trên báo viết, báo mạng. Kể cả những tài liệu trên Internet cũng vậy, chúng ta có trích nguồn rõ ràng? Nếu không làm như thế, hẳn chúng ta thừa nhận đang lừa dối độc giả và vi phạm quyền tác giả của nhà báo.
 
Nhận thức điều này, chúng ta sẽ cảm thấy nỗi sợ hãi xâm chiếm khi lấy cắp tác phẩm của người khác, do chưa hiểu rằng: đó là một trong những vi phạm đạo đức nghiêm trọng nhất của nghề báo.

Ảnh minh họa từ internet
 
Trước sức ép đưa tin nhanh nhất của tòa soạn, nhưng việc kiểm soát nội bộ kém cùng sự lười biếng, thụ động của phóng viên, sự phổ biến của Internet … giúp nạn “đạo báo” hoành hành trong làng báo Việt Nam hiện nay. Nhiều tờ báo tỏ ra dễ dãi với mục đích cần thông tin hay để sử dụng, khiến tệ nạn này vẫn diễn ra; nhất là đối với các đồng nghiệp không thể hiện ý thức thương hiệu và trách nhiệm của nhà báo.
 
Thực tế ở các cơ quan thông tin đại chúng địa phương cũng vậy, khi tính chuyên nghiệp của báo chí chưa cao, kỷ luật chưa siết chặt và mỗi phóng viên chưa xem đây là vấn đề danh dự thì chưa thể chấm dứt những nhóm phóng viên của các báo cùng “hợp tác” chia sẻ thông tin. Điều đó thật sự nguy hiểm, bởi họ không hề “tận mục sở thị” để kiểm chứng thông tin.
 
Nghĩa vụ đối với công chúng
 
Nếu có lúc nào đó, một nhà báo nghĩ đến việc dùng thông tin từ nguồn tin của mình để kiếm tiền là bình thường, hoặc dây dưa vào quan hệ làm ăn với nguồn tin và để mình bị sử dụng cho lợi ích của những nhóm chính trị hay xã hội - kinh tế nào đó thì nên dừng lại. Bởi lẽ, chúng ta hãy luôn khắc ghi rằng: thiên chức của người làm báo là phục vụ cho đông đảo công chúng (không phải vì lợi ích riêng tư). Chúng ta không sử dụng quan hệ của mình với tờ báo để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, mong đối xử đặc biệt hay kiếm lợi nhuận cá nhân.
 
Tương tự, nếu xác định lập trường của người làm báo, khi đứng trước món tiền, quà hay sự giúp đỡ của những người khác, kể cả nhà cầm quyền và các doanh nghiệp, khi họ đang gây ảnh hưởng với những loại tin, bài mà bạn đang khai thác, chúng ta sẽ dễ dàng hơn khi chọn cách ứng xử để không làm xấu hổ đồng nghiệp và tòa soạn của mình.
 
Với thực trạng không ít nhà báo tận dụng thanh thế, quyền và lợi ích của mình đưa tin, viết bài theo đơn đặt hàng, quảng cáo để nhận thù lao, hoặc khai thác lợi thế cộng tác làm ngoài giờ… phục vụ lợi ích riêng cho doanh nghiệp, chúng ta phải nhận thấy ảnh hưởng của nó đến tính khách quan, trung thực và tư cách nhà báo.
 
Nhằm không ngừng tìm kiếm sự thật, trách nhiệm quan trọng nhất của báo chí là phục vụ mối quan tâm của công chúng. Do vậy, chúng ta phải gìn giữ bằng được vị trí đặc biệt trong lòng công chúng. Muốn vậy, báo chí phải luôn thể hiện ý chí kiên cường trong việc theo đuổi để nắm bắt chân lý, chống bất công cũng như sẵn sàng kề vai và lên tiếng cho kẻ yếu thế.
 
 Để đáp ứng đòi hỏi sự công bằng của thông tin, mỗi khi tác nghiệp, các nhà báo phải tìm mọi cách có thể để lấy ý kiến của những người bị buộc tội có hành vi sai trái. Khi đưa tin, bài hoặc ảnh về tội phạm, các nhà báo không thể đối xử với họ như là tội phạm chỉ vì cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt họ, mà cần thấy rằng: Họ có quyền bảo vệ mình ở tòa án và bản thân vẫn được xem là vô tội cho đến khi tòa án xem xét bằng chứng và ra phán quyết cuối cùng rằng họ có tội.
 
Xây dựng bộ quy tắc đạo đức nhà báo, tại sao không?
 
Năm qua, Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông) tiếp nhận và xử lý gần 300 đơn thư khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân liên quan hơn 130 vụ việc đăng trên báo in làm ảnh hưởng uy tín, danh dự của những đối tượng liên quan; đồng thời, cơ quan này xử lý trách nhiệm hơn 30 lượt trường hợp, phạt hành chính hơn 200 triệu đồng. Hậu quả đau lòng là nhiều nhà báo bị kiện và cơ quan chủ quản phải cải chính cũng như xử lý phóng viên, biên tập viên.
 
Chưa kể trước đó, do sai phạm trong việc xử lý thông tin, một số phóng viên của một vài tờ báo đoàn thể còn phải nhận lãnh những bản án nghiêm khắc, khiến lãnh đạo các tờ báo này cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
 

Ảnh minh họa từ Internet
 
Do báo chí là một nghề đặc thù, vấn đề đạo đức nghề báo là một khái niệm rộng lớn. Nhận thức sâu sắc điều này, qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy: Ngoài Bộ quy tắc đạo đức của The New York Times (Thời báo) - niềm tự hào của làng báo Mỹ  - đồ sộ với hơn 150 quy định thì Quy định đạo đức của Los Angeles Times, Quy định Đạo đức của nhà báo Nga, Quy chuẩn Đạo đức báo chí Hàn Quốc, Quy tắc của báo chí Nhật Bản, Bộ quy tắc hành xử của phóng viên Anh và Nguyên tắc đạo đức báo chí Ấn Độ cũng rất chi tiết, chặt chẽ và dày dặn không kém.
 
Gần đây, cùng với nhiều tờ báo và hãng truyền thông danh tiếng trên thế giới, hiện nhiều tờ báo lớn ở Việt Nam cũng đã và đang xây dựng cho mình những quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Do các cơ quan thông tấn báo chí nói chung thường chú trọng phát triển cả về số lượng, nội dung và hình thức thông tin, đề ra các giải pháp nâng cao năng lực nghề nghiệp mà ít chú trọng đến mệnh lệnh tối thượng nhất là giáo dục đạo đức cho các nhà báo. 
 
Ngoài pháp luật Nhà nước, Pháp lệnh Công chức và Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, với xu thế là một nền báo chí trung thực, khách quan, nhanh nhạy và hướng thiện, chúng tôi kiến nghị các cơ quan thông tin đại chúng địa phương cần ban hành quy tắc đạo đức đối với các nhà báo.  Như vậy, các nhà báo mới đủ điều kiện cam kết tuân thủ nghiêm ngặt những quy chuẩn làm báo để có cơ sở hành xử một cách chuyên nghiệp nhằm góp phần tôn vinh nghề báo cao quý và đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
 Bài và ảnh: Vĩnh Cự