Sử liệu cũng ghi rõ, dưới thời các chúa và vua Nguyễn, súng thần công từng góp phần làm nên những trận hải chiến lẫy lừng, như trận chiến thắng hạm đội Hà Lan (năm 1644) tại Thuận An, trận hải chiến đánh Pháp năm 1858, năm 1883… Bởi vậy, như nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan nhận định, những hiện vật thần công thô sơ may mắn sót lại, may mắn được tìm thấy chính là nhân chứng một thời về kỹ thuật và nghệ thuật nhà binh của người Việt mà nếu làm tốt khâu bảo quản, trưng bày sẽ rất có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, ngoài 9 khẩu đại bác đang được trưng bày tại các cổng vào Đại Nội, những hiện vật thần công khác đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế và Bảo tàng Lịch sử Cách mạng, nhiều năm qua vẫn im ỉm nằm kho.
Một điều nữa mà các nhà nghiên cứu Huế tiếc đứt ruột. Đó là một số địa phương khác như Vũng Tàu, dù lịch sử không hề dính dáng gì đến “văn hóa thần công” nhưng họ đã tổ chức rầm rộ các lễ hội bắn súng thần công, vừa ít tốn kém, vừa thu hút, nghiễm nhiên trở thành một thương hiệu du lịch.