Ảnh minh họa |
Chiến dịch hàng hải mang tên Gió Biển (Sea Breeze) bắt đầu được khai màn hôm thứ Ba (1/9) và đây là một cuộc tập trận hàng năm. Cuộc tập trận năm nay thu hút sự tham gia của các đội quân đến từ 11 nước. Lực lượng này đã diễn tập các nội dung phòng không, tìm kiếm và cứu hộ, cùng một loạt bài tập chiến thuật khác nhằm tăng cường an ninh khu vực.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Donald Cook của Mỹ đang diễn tập bên canh tàu khu trục Getman Sagaidachniy – tàu đô đốc của Hải quân Ukraine .
Cuộc tập trận Gió Biển 2015 lần này là cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử của nó. Cuộc tập trận có sự tham gia của 2.500 binh lính đến từ các nước khác nhau. Lực lượng Ukraine đóng góp 1.000 quân, 9 tàu, 8 máy bay và trực thăng, cùng với 50 phương tiện và khoảng 10 tàu tuần tra.
Lực lượng Mỹ đóng góp 1.000 binh lính với vũ khí và các phương tiện quân sự, 5 tàu chiến, 2 tàu ngầm, 6 máy bay và trực thăng cùng với 40 phương tiện khác.
Ngoài ra, các nước còn lại đem đến cuộc tập trận 500 binh lính cùng vũ khí, thiết bị quân sự, 6 tàu nổi, 3 tàu ngầm, 6 máy bay và trực thăng, cùng với 10 phương tiện khác.
Các tàu của Nga đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đen khi cuộc tập trận giữa Mỹ và Ukraine diễn ra, ông Foggo cho biết nhưng khẳng định sự tương tác giữa hải quân các nước hiện tại không căng thẳng.
Lực lượng Hải quân Ukraine đã bị tổn thất nặng nề sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea xinh đẹp ở Biển Đen vào tháng Ba năm ngoái. Moscow đã giữ lại phần lớn hạm đội của Hải quân Ukraine neo đậu tại các cảng chiến lược ở Crimeavà thuyết phục hàng nghìn thủy thủ “đổi bên”, sang đầu quân cho Nga.
Phó Đô đốc Mỹ James Foggo III – Chỉ huy Hạm đội số 6 và là người chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập quốc tế, hôm 2/9 cho biết, quân số của Hải quân Ukraine đã giảm thê thảm từ 17.000 quân xuống chỉ còn 5.000 quân.
"Về cơ bản, lực lượng của họ đã mất đến 2/3 con người và cũng khoảng 2/3 tàu chiến", ông Foggo – người từng có thời gian ở Odessa , cho biết. Odessa hiện là “nhà mới” của hạm đội Ukraine sau khi cảng Sebastopol của Crimea trở thành một phần của Nga.
"Thứ họ mất là năng lực, họ mất những con số. Tuy nhiên, thứ họ còn lại là sự chuyên nghiệp của những người quyết định ở lại với Ukraine ”, Phó Đô đốc Mỹ đã nói như vậy với cánh phóng viên.
Ông Foggo đã có cuộc gặp với Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk và cho biết giới chức Kiev đang mong muốn hiện đại hóa lực lượng Hải quân. "Có lẽ họ đang muốn mang thêm về một số tàu chiến mới khi ngân sách cho phép. Rõ ràng, họ cần phải giải quyết một số vấn đề”, ông Foggo cho hay.
Ngoài cuộc tập trận do Hải quân Mỹ dẫn đầu với sự tham gia của 11 nước NATO và Ukraine, chỉ huy Mỹ Foggo còn thông báo kế hoạch của Mỹ trong việc duy trì sự hiện diện liên tục ở Biển Đông.
Hải quân Mỹ có ý định bình thường hóa sự hiện diện ở Biển Đen bằng các chuyến thăm thường xuyên đến khu vực, ông Foggo cho biết một ngày sau khi cuộc tập trận Gió biển 2015 khai màn.
"Trong hơn một năm qua, chúng tôi đã duy trì một sự hiện diện ở Biển Đen kể cả khi chúng tôi liên tục hoạt động ở Địa Trung Hải. Chúng tôi đang biến sự hiện diện của mình trở thành một điều gì đó “bình thường” và chúng tôi đang tiến hành các cuộc tập trận, trao đổi thường xuyên hơn với Hải quân các nước trong khu vực”, Phó Đô đốc Foggo cho biết.
"Chúng tôi đã nỗ lực duy trì sự hiện diện gần như liên tục ở Biển Đen bởi đây là một khu vực quan trọng”, Chỉ huy Mỹ nói. Lực lượng của ông này đã vào Biển Đen để thực hiện cuộc tập trận Cơn gió nhẹ và Lá chắn trên biển hồi tháng 7; cuộc tập trận Thần Biển hồi tháng 5.
Nga giận dữ phản đối cuộc tập trận chung Mỹ-Ukraine ở Biển Đen
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm qua (3/9) đã nói rằng, cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ và Ukraine ở Biển Đen là một tín hiệu sai lầm.
"Cuộc tập trận hải quân Mỹ-Ukraine ở Biển Đen không đóng góp gì cho tiến trình tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho khu vực. Đó là một tín hiệu sai lầm”, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Ukraine rõ ràng là một hành động thách thức nhằm vào Nga và Moscow chắc chắn không thể không phản ứng.
Từ khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine nổ ra cách đây hơn một năm, Kiev cùng với phương Tây đã không ngừng tung ra những lời cáo buộc nhằm vào Nga như Nga hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông, giúp cung cấp vũ khí, đào tạo binh lính cho lực lượng này, và thậm chí là cả lời cáo buộc Nga dồn hàng chục nghìn quân và hàng trăm vũ khí hàng nặng về biên giới để chuẩn bị xâm lược nước láng giềng. Tuy nhiên, suốt thời gian qua, Kiev và phương Tây chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào để chứng minh cho những cáo buộc của họ.
Dù cho Nga kiên quyết và thẳng thừng bác bỏ mọi cáo buộc như trên, phương Tây vẫn tìm cách bao vây, dồn ép và bóp nghẹt Nga trên mọi mặt trận, từ kinh tế, tài chính, quân sự đến thông tin, tuyên truyền. Đáng chú ý là bộ máy truyền thông hùng mạnh của phương Tây liên tục nói đến mối đe dọa từ Nga hay khả năng Nga tiến hành xâm lược các quốc gia láng giềng, gây ra mối quan ngại, bất an bao trùm khu vực.