Chính phủ các nước phải tăng tốc hướng đến mục tiêu Net Zero với nhiều hành động thiết thực, hiệu quả trong năm 2025. Ảnh minh họa: Bộ Công thương Việt Nam |
Khi ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra và người dân cũng tăng cường nhận thức về hậu quả của việc không hành động chống lại biến đổi khí hậu, chính phủ các nước, cùng với lãnh đạo khu vực tư nhân, nhà khoa học và các tổ chức xã hội dân sự đang tập trung đưa ra và thúc đẩy các cam kết khí hậu đầy tham vọng.
Động lực này đặc biệt rõ ràng tại Tuần lễ Khí hậu NYC 2024, diễn ra từ ngày 22-29/9/2024, được biết đến là sự kiện giới thiệu hàng loạt giải pháp đa dạng, từ dự báo thời tiết được tăng cường hỗ trợ bằng trí tuệ nhân tạo (AI) đến sáng kiến về rạn san hô do con người tạo ra… để thúc đẩy tiến trình hành động chống lại biến đổi khí hậu và hướng đến mục tiêu Net Zero.
Nhấn mạnh sự bất bình đẳng trong trách nhiệm về hành động khí hậu, Thủ tướng Bahamas Philip Edward cho biết: Khu vực Nam Bán cầu mặc dù đóng góp ít nhất vào lượng khí thải toàn cầu, nhưng lại phải chịu những tác động tức thời và nghiêm trọng nhất.
Chia sẻ những tổn thương mà người dân Nam Bán cầu phải đối mặt, Tổng thư ký Khối thịnh vượng chung Patrica Scotland đã đưa ra tuyên bố táo bạo về nhu cầu không chỉ giảm thiểu biến đổi khí hậu mà còn thực sự đảo ngược nó.
Những lời kêu gọi này nhấn mạnh rằng, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 không chỉ là mục tiêu kỹ thuật mà còn là mệnh lệnh đạo đức - một mệnh lệnh liên quan đến vai trò của công nghệ, tài chính, sự tham gia của cộng đồng và hợp tác quốc tế.
Lời hứa và thực tế
Khi các nhà lãnh đạo toàn cầu ký Thỏa thuận Paris năm 2015, họ đã cam kết ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng quá 2°C và lý tưởng nhất là 1,5°C so với mức tiền công nghiệp. Cam kết này đã tạo ra một làn sóng cam kết phát thải ròng bằng 0 từ cả chính phủ và các tập đoàn trên toàn thế giới.
Trong những năm tiếp theo, ngày càng nhiều tiểu bang, thành phố, quốc gia và các tổ chức tư nhân đã xác định mốc thời gian đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, thường được gắn với năm 2050 hoặc sớm hơn. Tuy nhiên, tính đến năm 2024, nhiều cam kết trong số này đang đi quá chậm so với quỹ đạo phát thải thực tế. Điều này nhấn mạnh sự thiếu hụt mang tính hệ thống trong các ngành và nếu không có các biện pháp tiếp cận chặt chẽ đối với lượng khí thải trong chuỗi cung ứng, các cam kết phát thải ròng bằng 0 có nguy cơ trở thành khẩu hiệu, thay vì là hành động thực tế hiệu quả.
Dù vậy, bất chấp thách thức, năm 2024 cũng cho thấy các cam kết về Net Zero đang đến hồi chín muồi ở một số khu vực nhất định. Nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất xi măng, vận tải hạng nặng và thép đã nhận ra sự cần thiết của các khoản đầu tư công nghệ vào thu giữ Carbon, nhiên liệu thay thế và các biện pháp hiệu quả do AI thúc đẩy. Tuy nhiên, tiến độ nhìn chung vẫn chậm. Theo một số mô hình dữ liệu được trình bày tại cuộc họp bàn tròn giữa các nhà kinh tế để thảo luận về giải pháp sáng tạo nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, tỷ lệ giảm cường độ Carbon của thế giới đang dao động ở mức 1%/năm, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ khử Carbon cần thiết phải đạt được hàng năm vào khoảng 7% để theo kịp mục tiêu 1,5°C. Sự chênh lệch này làm nổi bật tính cấp thiết của các khuôn khổ chính sách mạnh mẽ, cơ chế tài chính sáng tạo và quyết tâm chính trị lớn hơn khi chúng ta bước vào năm 2025.
Thay vì chỉ đơn giản là giảm thiểu biến đổi khí hậu, tức làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu, cần đảo ngược tình trạng này. Sự thay đổi quan điểm này mang lại những hàm ý sâu sắc cho chính sách và công nghệ. Nếu việc hạn chế thiệt hại không đủ, thì phải triển khai giải pháp khắc phục hậu quả trong quá khứ, gồm khôi phục các hệ sinh thái đã suy thoái, loại bỏ Carbon khỏi khí quyển và tái hiện cách cộng đồng tương tác với tài nguyên thiên nhiên.
Sự tham gia của khu vực tư nhân
Phản ứng của khu vực tài chính đối với cuộc khủng hoảng khí hậu đã trải qua một sự biến đổi kể từ đầu những năm 2020. Từng được coi là sợ rủi ro và chậm chạp, các ngân hàng, công ty đầu tư và công ty bảo hiểm hiện đang chịu áp lực rất lớn không chỉ phải thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch mà còn phải tích cực tài trợ cho các giải pháp khí hậu.
Nền tảng Moral Money của Financial Times đã nổi lên như một kênh quan trọng để thảo luận về tài chính xanh. Tại Tuần lễ Khí hậu NYC 2024, trong khuôn khổ phiên họp “Tái hiện Môi trường Xây dựng”, các đại biểu đã tập trung vào cách các nhà đầu tư và công ty có thể chuyển đổi sang các cơ sở hạ tầng vừa ít Carbon vừa có khả năng phục hồi khí hậu.
Đại biểu tham gia thảo luận nhấn mạnh, khi tính đến cả việc sử dụng năng lượng trong xây dựng và vận hành, các tòa nhà chiếm gần 40% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Việc đại tu hoạt động xây dựng đòi hỏi phải sử dụng vật liệu ít Carbon như gỗ có nguồn gốc bền vững, thiết kế các cấu trúc để sưởi ấm, làm mát thụ động và tích hợp các hệ thống năng lượng mặt trời và địa nhiệt trên mái nhà… Tuy nhiên, các dự án này đòi hỏi nguồn vốn đáng kể. Đây là nơi các mệnh lệnh về đạo đức và tài chính hội tụ: Khi rủi ro về khí hậu trở nên rõ ràng hơn, các bên cho vay và công ty bảo hiểm phải đối mặt với các khoản nợ ngày càng tăng do thiệt hại từ thời tiết khắc nghiệt, tạo ra động lực thật sự để phân bổ nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng kiên cường và không phát thải.
Sự xuất hiện của các thành phố tái tạo
Một khái niệm đã thu hút sự chú ý vào năm 2024 là “thành phố tái tạo”, nơi tích hợp các giải pháp dựa trên thiên nhiên một cách có hệ thống. Các thành phố tái tạo không chỉ nỗ lực giảm phát thải mà còn tăng cường đa dạng sinh học, bổ sung nước ngầm và phục hồi môi trường sống bị suy thoái. Bằng cách đan xen thiên nhiên vào kết cấu của thành phố, các nhà quy hoạch hướng đến mục tiêu hạ nhiệt độ, giảm nguy cơ lũ lụt và cô lập Carbon.
Tuy nhiên, việc thực hiện các chiến lược tái tạo đòi hỏi phải có kế hoạch cẩn thận, sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng và nguồn tài chính trải dài từ các nguồn công, tư và từ thiện. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, phong trào thành phố tái tạo nhấn mạnh phạm vi mở rộng của các cuộc thảo luận về mức phát thải ròng bằng 0, kết nối tiến trình giảm Carbon với việc phục hồi các hệ thống tự nhiên.
Bước vào năm 2025, quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng có thể tăng tốc nếu nhiều công ty áp dụng cách tiếp cận kết hợp hành động có đạo đức và đẩy mạnh tài chính, bao gồm đưa ra các điều khoản hợp đồng có lợi cho các nhà cung cấp có thể chứng minh được mức giảm phát thải đáng kể hoặc thiết lập các công cụ tài chính xanh, thưởng cho các hoạt động thân thiện với khí hậu.
Cuối cùng, thành công hay thất bại của các sáng kiến chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi chung của các nguyện vọng Net Zero trên toàn cầu.