Nét rêu phong, cổ kính của những ngôi nhà xưa cũ thuộc khu phố cổ Gia Hội |
Những dấu xưa của khu phố cổ Gia Hội vẫn còn đậm đặc. Có thể kể đến rất nhiều ngôi cổ tự, phủ đệ, những công trình kiến trúc tôn giáo, cộng đồng thuộc địa vẫn còn hiện hữu cho đến ngày hôm nay. Nếu không gìn giữ, nguy cơ lụi tàn theo thời gian là khó tránh.
Ngược dòng lịch sử, Gia Hội được hình thành từ khá sớm và dần trở nên phồn thịnh dưới thời các chúa Nguyễn. Năm 1687, sau khi chúa Nguyễn Phúc Thái dời thủ phủ từ Kim Long về Phú Xuân, khu vực Gia Hội càng có điều kiện phát triển mạnh hơn. Nơi này trở thành phần “thị” trong kết cấu đô – thị của Huế trong thời kỳ đầu gắn bó với sông Hương. Đầu thế kỷ XIX, khi vua Gia Long thống nhất đất nước, cho xây dựng Kinh đô tại Huế thì khu vực Gia Hội lại trở nên phát triển, sầm uất hơn. Đầu thế kỷ XX, dù không còn là thời kỳ hoàng kim nhưng Gia Hội vẫn là khu vực phồn thịnh nhất của Kinh đô Huế.
Giờ đây khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phố cổ Gia Hội thuộc phường Gia Hội, quận Phú Xuân. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, đây là vùng đất tập trung rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa với rất nhiều loại hình, như phủ đệ, hội quán, chùa, đình làng, nhà cổ, từ đường… Trong đó có những di tích nổi tiếng, như quốc tự Diệu Đế, đình và miếu Thế Lại Thượng, các hội quán của người Hoa, cùng nhiều phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa.
Cùng với đó, nơi đây nổi tiếng với những di sản phi vật thể như các lễ hội truyền thống, nghề gia truyền, nghệ thuật ẩm thực đa dạng… Vậy nhưng, vẫn được xem là khu vực tĩnh lặng, trầm mặc và ít có sự thay đổi phát triển.
“Làm sao để Gia Hội đi lên là câu hỏi lớn, niềm trăn trở của rất nhiều người, từ các thế hệ lãnh đạo đến người dân, những người yêu Huế. Hàng chục năm trước, chính quyền TP. Huế đã từng quyết tâm bảo tồn, phát huy khu phổ cổ Gia Hội với mong muốn biến nơi đây thành một Hội An của Huế, tuy nhiên vẫn không thành”, ông Hải nói.
Trong một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Huế về phố cổ Gia Hội đã đề xuất hướng đi vừa bảo tồn, vừa phát triển cho khu phố này. Trong đó, cho rằng cần thiết xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về hệ thống thông tin các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thuộc khu phố cổ Gia Hội làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, sưu tầm, số hóa và lập hồ sơ các công trình kiến trúc có giá trị. Ngoài ra, định hướng phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ trên nền tảng văn hóa đặc trưng của khu phố cổ. Song song có những quy định về quản lý không gian là các chính sách trùng tu các công trình kiến trúc có giá trị.
Còn theo ông Hải, chính quyền TP. Huế đã và đang thực hiện quy hoạch chung của thành phố, quy hoạch phát triển đô thị TP. Huế, quy hoạch bảo quản, tu bổ Quần thể di tích Cố đô Huế… do đó cần quan tâm để triển khai quy hoạch chi tiết khu vực Gia Hội. Bởi đây là bước đi đầu tiên, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển đúng hướng, bền vững.
Tiếp đó, cần có sự đầu tư xứng đáng để bảo tồn, khai thác và phát huy tốt các di sản phong phú trên địa bàn Gia Hội, tạo điều kiện và tạo ra sự kết nối để mọi người dân trên địa bàn có thể phát huy hết năng lực, sở trường trong việc khai thác, phát huy các nguồn lực vốn có của địa phương, đặc biệt nguồn lực tiềm tàng của Gia Hội là văn hóa, di sản.
“Hầu hết các di sản của Gia Hội thuộc về cộng đồng, người dân. Vì vậy, cần có sự thay đổi về nhận thức trong cách tiếp cận, sử dụng di sản cho mục tiêu phát triển. Về điểm này, người dân Gia Hội nói riêng và người Huế nói chung cần học hỏi người dân Hội An. Học hỏi kỹ năng sử dụng, phát huy di sản, kỹ năng phục vụ để Gia Hội có thể trở thành một trung tâm dịch vụ phục vụ cho nhu cầu đa dạng của các đối tượng du khách”, ông Hải phân tích.