Đoàn thanh niên tiên phong trong hoạt động phân loại rác tại nguồn

Tăng cường tuyên truyền, vận động

PLCTRSH không còn lạ với người dân Huế. Nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của các chương trình, dự án trong, ngoài địa phương, đặc biệt là dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa khu vực miền Trung” đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, hoạt động PLCTRSH đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức từ các ban, ngành đến người dân ở vùng đô thị Huế. Tuy nhiên, hoạt động này mới tập trung ở các địa phương vùng trung tâm TP. Huế, do vậy, tỷ lệ PLCTRSH ở Huế vẫn chưa đạt như kỳ vọng, nhất là ở các huyện, thị xã. Nguyên nhân tỷ lệ PLCTRSH chưa cao được xác định là do cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phương tiện vận chuyển rác chưa đảm bảo, ý thức của người dân ở một số địa phương còn hạn chế.

Thực tế, việc PLCTRSH đã được TP. Huế thực hiện cách đây gần 20 năm tại một số địa phương như: TX. Phong Điền, các huyện Quảng Điền, Phú Lộc... Tuy nhiên, do cách làm thí điểm, chưa đồng bộ nên mô hình này phải dừng lại và chưa được nhân rộng. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn tỷ lệ PLCTRSH tăng cao thì từ huyện, thị đến các phường, xã, khu dân cư phải triển khai công tác tuyên truyền thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức cho người dân; đồng thời, phải có chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp không thực hiện nhằm tạo thói quen cho các hộ gia đình.

Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thị xã Phong Điền, đồng hành cùng những chương trình, dự án, thời gian qua hoạt động PLCTRSH ở địa phương được triển khai dưới nhiều hình thức phù hợp với thực tế tại các vùng miền; trong đó thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức và huy động sự chung tay của người dân. TX. Phong Điền cũng chú trọng các nội dung phòng, chống rác thải nhựa, nhân rộng các mô hình "Ngôi nhà xanh", PLCTRSH làm phân bón hữu cơ… Năm 2025, TX. Phong Điền xây dựng kế hoạch triển khai đến 100% phường, xã; trong đó hơn 90% hộ gia đình PLCTRSH, góp phần vào hoạt động bảo vệ môi trường của TP. Huế.

Đại diện lãnh đạo nhiều huyện, thị xã cho rằng, khó khăn lớn nhất trong việc PLCTRSH là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, từ thu gom, vận chuyển đến xử lý. Do đó, hàng năm ngoài sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, các địa phương phải dành nguồn lực cho việc thúc đẩy PLCTRSH, từ đó đầu tư đồng bộ các quy trình xử lý. Đây chính là giải pháp bền vững dựa trên quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Không phân loại rác sẽ bị phạt

Theo thống kê, bình quân mỗi ngày toàn TP. Huế thải ra khoảng hơn 700 tấn rác thải; trong đó khu vực đô thị thải ra gần 600 tấn rác. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác tại khu vực đô thị đạt gần 100%. Đáng mừng là trong năm qua, việc đầu tư đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý điện rác Phú Sơn (TX. Hương Thủy) đã góp phần hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường cho Huế.

Ông Đặng Phước Bình, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Huế khẳng định, TP. Huế là địa phương đi đầu cả nước trong thu gom, xử lý chất thải và cũng đặt mục tiêu cao trong PLCTRSH so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, việc kiểm soát, quản lý rác thải sinh hoạt hiện vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm 3 loại, gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Luật cũng quy định về việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua khối lượng hoặc thể tích và các quy định khác nhằm tăng cường tối đa việc tái chế và giảm tối đa chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý và phát thải ra môi trường. Để bảo đảm tính khả thi, luật cũng quy định UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024. Đồng thời, kể từ ngày 1/1/2025, việc PLCTRSH là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình, nếu không phân loại theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng.

Từ quy định trên, các địa phương cần quan tâm tuyên truyền, vận động để việc PLCTRSH trở thành thói quen của các hộ gia đình; góp phần giảm áp lực trong việc quản lý, xử lý rác thải, tránh thất thoát, gây ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: Song Minh