Trữ rơm để chủ động trong sản xuất nấm

Tuổi đã ngoài sáu mươi, nhà có của ăn của để, nhưng mỗi ngày vẫn cần mẫn lao động, tiếp tục tạo ra nhiều giá trị cho cuộc sống, vợ chồng lão nông Lê Duy Quát là tấm gương sáng trong sản xuất trên địa bàn” - Ông Hồ Viết Thuyên, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lương nói những lời đầy trân trọng.

Quả thật, cơn mưa dai dẳng chẳng thể “làm khó” đôi vợ chồng lão nông. Trong lúc bà Vui chăm chút đàn gà để cải thiện cuộc sống, vừa tăng thu nhập, ông Quát ngồi dưới mái hiên vót tre, chuẩn bị dựng hàng rào để vào vụ cải, xà lách, đậu cô ve… Nụ cười mộc mạc nhưng rạng rỡ hơn khi ông bà kể về công việc sản xuất lúa, nấm rơm và rau màu.

Mấy chục năm trước, vợ chồng ông Quát cưới nhau và bắt đầu xây dựng cuộc sống từ ruộng, vườn. “Ngày trước làm nông vất vả hơn bây giờ nhiều lắm: Con trâu đi trước cái cày theo sau; cấy lúa, làm cỏ, gặt lúa bằng tay, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vất vả trăm bề” - ông Quát nhớ lại. Thế nhưng, mồ hôi thấm xuống đất càng nhiều, tình yêu đối với ruộng, vườn của vợ chồng ông càng sâu đậm.

Ban đầu là canh tác trên 1 mẫu ruộng, sau đó vợ chồng ông Quát mở rộng diện tích lên 2 mẫu. Khi phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp, vợ chồng ông Quát sản xuất trên 4 mẫu ruộng cho đến nay. Ông Quát cho biết, để phục vụ sản xuất, gia đình ông sắm máy cày cầm tay và ứng dụng kỹ thuật đảm bảo theo các giai đoạn phát triển của lúa.  Đến mùa thu hoạch, thì thuê máy thuê người. Sau khi gặt đập xong đã có hợp tác xã nông nghiệp và các công ty bao tiêu sản phẩm, thu mua ngay trên đồng ruộng. Biết lựa chọn những giống lúa giá trị kinh tế cao nên hai vụ lúa mỗi năm gia đình ông lãi ròng trên dưới 120 triệu đồng.

Năm 1996, khi Phú Lương bắt đầu “bén duyên” với nghề trồng nấm rơm, hộ ông Quát là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn thử nghiệm trồng nấm. “Hồi ấy muốn đi học nghề trồng nấm phải tốn rất nhiều tiền. Dân vùng khác đến mua rơm rạ về trồng nấm, tại sao mình không tận dụng nguyên liệu sẵn có? Từ suy nghĩ đó, tôi lân la hỏi chuyện, lâu dần cũng học được chút nghề, rồi tự mày mò vừa làm, vừa tích lũy thêm kinh nghiệm” - ông Quát kể.

Ngày bận ra đồng thì có thể thắp đèn ban đêm để ủ rơm, xới rơm. Bao nhiêu năm qua, gia đình ông Quát vẫn duy trì 4 vòm nấm. Vào mùa xuân, mùa thu, khí trời mát mẻ, mỗi vòm nấm ông Quát trồng chừng 500 bánh rơm. Mùa hè nắng gắt, dễ hầm hơi, lượng bánh rơm trong mỗi vòm sẽ được giảm xuống còn 400 bánh. “Ủ 20 cuộn rơm thì đủ 500 bánh cho 1 vòm. Rơm ủ 3 ngày thì trở, đậy kín ni lông đến 7 ngày là chín, sau đó đem ra đạp vô khuôn rồi vào meo, chờ ngày thu hoạch. Trời nóng quá thì xả bớt khí, canh chừng 30 độ C là vừa” - ông Quát chia sẻ về kinh nghiệm trồng nấm.

Trồng nấm tuy vất vả, nhưng nấm ra đến chợ có khách hàng thu mua. Vợ chồng lão nông lại nở nụ cười khi cho hay lãi ròng từ trồng nấm rơm mỗi năm cũng ngang ngửa, có khi “nhỉnh” hơn trồng lúa, tầm 120- 130 triệu đồng mỗi năm. Tính thêm thu nhập từ rau màu được sản xuất trên mảnh vườn 1 nghìn mét vuông, cuộc sống của gia đình ông Quát ngày càng sung túc.

Đổ mồ hôi trên đồng ruộng, vợ chồng ông Quát đã xây được căn nhà tiền tỷ, nuôi hai con ăn học trưởng thành; “cấp vốn” 300 triệu đồng cho con trai cả đi lao động ở nước ngoài. Nay cả hai con trai của ông Quát đều có công việc, nhà riêng và thu nhập ổn định. Nhiều lần được UBND xã tặng giấy khen, nhưng đối với vợ chồng ông Lê Duy Quát, còn sức còn lao động, là niềm hạnh phúc lớn nhất.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh - Hà Lê