Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 31 tại Peru hồi tháng 11/2024. Ảnh minh họa: TTXVN

Đây là lần đầu tiên sau 20 năm, Hàn Quốc đăng cai tổ chức APEC. Trước đó, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã được tổ chức tại thành phố Busan vào năm 2005, một trong những kết quả chính đạt được là Lộ trình Busan nhằm tăng cường thương mại tự do.

“Cách đây 2 thập kỷ, APEC chủ yếu tập trung vào tự do hóa thương mại và đầu tư, cũng như hội nhập khu vực. Chúng tôi vẫn đang theo đuổi các mục tiêu này, nhưng chương trình nghị sự của APEC hiện nay được mở rộng hơn nhiều”, bà Yoon Seongmee, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC (SOM) 2025 cho hay.

 Qua đó, Hàn Quốc đã chọn “Xây dựng ngày mai bền vững: Kết nối, đổi mới, thịnh vượng” làm chủ đề, đồng thời cũng là những ưu tiên cho APEC 2025. Chủ đề “Xây dựng ngày mai bền vững” phản ánh khát vọng hiện thực hóa một khu vực châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, tự cường và hòa bình, theo Tầm nhìn Putrajaya trong tương lai gần.

Hàn Quốc sẽ nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn này bằng cách theo đuổi 3 ưu tiên chính sách chính bao gồm: kết nối, đổi mới, thịnh vượng. Cụ thể, ưu tiên kết nối sẽ tìm cách tăng cường trao đổi trong khu vực để hướng tới một châu Á - Thái Bình Dương cởi mở và tự cường.

Ưu tiên thứ hai sẽ tập trung vào đổi mới, đặc biệt là đổi mới kỹ thuật số, hướng tới mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của khu vực thông qua đổi mới và số hóa. Đồng thời, sẽ tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và tạo ra một hệ sinh thái công nghệ toàn diện, để mọi người đều có thể được hưởng lợi từ những tiến bộ công nghệ.

“Ngày nay, người ta không thể nói về số hóa và công nghệ mới mà không đề cập đến trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ này đang có tác động cơ bản đến cuộc sống và các nền kinh tế, làm thay đổi cách chúng ta kinh doanh, làm việc và kết nối”, bà Yoon Seongmee nói thêm. Theo đó, Hàn Quốc đề xuất tổ chức các cuộc thảo luận về cách thức để các nền kinh tế APEC hợp tác nhằm cho phép việc sử dụng AI an toàn và toàn diện, vì lợi ích của người dân và khu vực.

Ưu tiên thứ ba liên quan đến việc ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu như vấn đề năng lượng, biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực và thay đổi nhân khẩu học. Ưu tiên này cũng nhằm tăng cường cơ hội tham gia kinh tế tích cực cho các tác nhân kinh tế dễ bị tổn thương hơn, bao gồm phụ nữ, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và người khuyết tật.

Với ưu tiên này, Hàn Quốc đề xuất thảo luận về tỷ lệ sinh giảm và dân số già. Đối với một số nền kinh tế, điều này đã trở thành một vấn đề cấp bách; trong khi đối với một số nền kinh tế khác, đây sẽ là vấn đề mà họ phải đối mặt trong tương lai. Đã đến lúc bắt đầu thảo luận về xu hướng này, đặc biệt bởi vấn đề này tác động đến lực lượng lao động, sự phân chia xã hội và cuối cùng là tăng trưởng kinh tế bền vững.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ APEC)