Khung cảnh hoang tàn tại Mỹ sau khi bão Helene quét qua. Ảnh: Moitruong.net

Đáng lưu ý, 3/4 trong tổng thiệt hại tài chính này xảy ra ở nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ. Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu được biên soạn vào năm 2018, bảng thống kê năm nay đã ghi nhận 2 cơn bão trong cùng một năm gây tổn thất hơn 50 tỷ USD, bao gồm cơn bão Helene và Milton đã tấn công nước Mỹ lần lượt vào tháng 9 và tháng 10/2024.

Được công bố vào những ngày cuối năm 2024 - năm “nóng nhất trong lịch sử”, danh sách 10 thảm họa khí hậu gây tổn thất nhiều năm nay cũng bao gồm bão Yagi ở Đông Nam Á, giết chết ít nhất 829 người và gây thiệt hại kinh tế 12,6 tỷ USD; bão Boris ở châu Âu, làm thiệt mạng ít nhất 26 người và tổn thất 5 tỷ UDS; và lũ lụt tàn khốc ở miền nam Trung Quốc, Bavaria, Valencia và Rio Grande do Sul ở Brazil.

Phân tích cũng cho thấy tác động tài chính ngày càng tăng của các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu do con người gây ra, khi lần đầu tiên tất cả 10 thảm họa hàng đầu trong năm đều gây thiệt hại trên 4 tỷ USD trong mỗi sự kiện.

Tiến sĩ Mariam Zachariah, một nhà nghiên cứu về thời tiết thế giới tại Đại học Hoàng gia London, cho biết “hầu hết các thảm họa này đều cho thấy dấu hiệu rõ ràng của biến đổi khí hậu. Rõ ràng, thời tiết khắc nghiệt đang gây ra những nỗi đau khủng khiếp ở mọi nơi trên thế giới… Báo cáo này chỉ là một bức ảnh chụp nhanh về sự tàn phá của khí hậu trong năm 2024. Có rất nhiều đợt hạn hán, nắng nóng, cháy rừng và lũ lụt không được đưa vào danh sách nhưng đang trở nên thường xuyên và dữ dội hơn”.

Bảng xếp hạng được Christian Aid biên soạn vào cuối mỗi năm, sử dụng dữ liệu từ các khoản thanh toán bảo hiểm. Tổ chức từ thiện này cho rằng chi phí thực sự của các thảm họa có khả năng cao hơn nhiều vì nhiều người không được bảo hiểm, đặc biệt là ở các nước nghèo.

Tổ chức phi chính phủ này cũng lưu ý rằng nhiều thảm họa khí hậu lớn khác trong năm 2024 có tác động tài chính tức thời thấp hơn, nhưng sẽ gây ra những tổn thất kéo dài không thể tính toán được về số người chết, sự phá hủy các hệ sinh thái quan trọng trên toàn cầu và thiệt hại lâu dài đối với nguồn cung cấp lương thực, sự ổn định xã hội hoặc mực nước biển, điển hình như lũ lụt ở Tây Phi, lở đất ở Philippines, hạn hán ở Nam Phi và nắng nóng ở Bangladesh, Gaza và Đông Nam Cực.

Từ đó, ông Patrick Watt, Tổng Giám đốc điều hành của Christian Aid, kêu gọi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu cần cắt giảm lượng khí thải và tăng tiền bồi thường cho các nước nghèo. “Nỗi đau khổ của con người do cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra phản ánh các lựa chọn chính trị. Không phải tự nhiên mà mức độ nghiêm trọng và tần suất xảy ra hạn hán, lũ lụt và mưa bão ngày càng tăng…” ông nói.

Cũng theo Christian Aid, các thảm họa đang được thúc đẩy bởi các quyết định tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch và cho phép lượng khí thải tăng lên của một số nước. Và chúng đang trở nên tồi tệ hơn do không thực hiện được các cam kết tài chính cho các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất về khí hậu.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The Guardian)