Bạn đọc đọc báo Thừa Thiên Huế. Ảnh: Đức Quang

Từ tên gọi của tờ báo Đảng trong lịch sử

Nhiều năm kháng chiến vệ quốc, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh có tên là Cờ Giải Phóng. Ngày 26/3/1975, Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Chưa đầy một tháng sau, ngày 20/4/1975, số báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh ra đời với cái tên đầy khí thế cách mạng: Báo Thừa Thiên Huế Giải Phóng.

Sau khi báo ra được 10 số với tên gọi Thừa Thiên Huế Giải Phóng, do nhu cầu văn hóa và chính trị phù hợp với hoàn cảnh mới, bắt đầu từ số 11, ra ngày 8/9/1975, ấn phẩm đổi tên thành Báo Thừa Thiên Huế, đúng với tên hành chính của tỉnh. Đến số 46 (trong đó có 10 số Báo Thừa Thiên Huế Giải Phóng và 36 số mang tên Báo Thừa Thiên Huế) báo dừng phát hành để chuẩn bị nhập chung với báo Quảng Bình, báo Thống Nhất của khu vực Vĩnh Linh và báo Quảng Trị để thành lập Báo Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên (được đặt theo tên Báo Dân, cơ quan của Xứ ủy Trung Kỳ đóng tại Huế năm 1938).

Báo Dân tồn tại 10 năm, ra được 1110 số, theo chủ trương của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, được đổi tên mới theo đơn vị hành chính thành Báo Bình Trị Thiên, số 1, ra ngày 21/6/1985, đánh tiếp số 1111 của Báo Dân trước đó. Báo Bình Trị Thiên xuất bản đến số 1594, ra ngày 22/6/1989, thì dừng phát hành để chia tách tỉnh Bình Trị Thiên thành ba tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình; mỗi tỉnh xuất bản một tờ báo riêng của đảng bộ mình làm cơ quan ngôn luận.

Kể từ ngày 1/7/1989, bộ máy mới của tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức đi vào hoạt động. Thực hiện chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 7/7/1989, tờ báo của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế ra số đầu tiên với tên gọi ngắn gọn: Huế ngày nay. Ngay trên trang nhất của số đầu tiên, Huế ngày nay in trang trọng Lời ra mắt của báo: “Nhận lãnh trách nhiệm tiếng nói của Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế, Huế ngày nay vinh dự mang tên thành phố vốn là cố đô của đất nước với những trang sử anh hùng và ngày nay vẫn là một trong những biểu tượng của niềm tự hào dân tộc còn sống động trong tình cảm của Nhân dân Thừa Thiên Huế cũng như đồng bào cả nước, kể cả bà con Việt kiều ở nước ngoài”.

Huế ngày nay in ốp – sét 2 màu, hình thức đẹp, nội dung thông tin phong phú và chất lượng cao, ra vào ngày thứ Sáu hàng tuần, được người đọc thích thú đón nhận. Mặc dù thế, nhưng khi báo mới chào làng được 3 số thì ở Huế lúc bấy giờ bắt đầu xôn xao dư luận, sau lan rộng ra nhiều nơi với nhiều thành phần về câu chuyện cái tên của báo. Nhiều câu hỏi: “Huế ngày nay đây rồi, thế còn Huế ngày xưa ở mô?”. “Huế đọc báo Huế. Còn huyện đọc báo nào?”…

1989 là năm mà bối cảnh thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp, nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tình hình chính trị ở Việt Nam. Trong hoàn cảnh ấy, tên tờ báo của Đảng bộ tỉnh là vấn đề nhạy cảm, cố ép không khéo hỏng chuyện. Dù tờ báo mang tên một thành phố nổi tiếng, nhưng nó vẫn là thành phố có vị thế hành chính ngang cấp huyện, chưa đại diện cho bộ mặt kinh tế, văn hóa – xã hội của một tỉnh rộng lớn, nhất là chất cách mạng, vị thế chiến khu của các huyện khi ta chưa giành thắng lợi. Cuối cùng bàn đi tính lại, để hợp lòng dân, báo phải đổi tên khác…

Theo chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, sau khi Huế ngày nay ra số đặc biệt (số 8, cũng là số kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1989), ngày 25/8/1989, Huế ngày nay dừng phát hành. Trên số đặc biệt này, Ban Biên tập báo đã có mấy lời chia sẻ có tính thông báo cùng bạn đọc: “Theo Quyết định số 531/BTT ngày 10.8.1989 của Bộ Thông tin, kể từ ngày 01.9.1989, báo Huế Ngày Nay đổi thành báo Thừa Thiên Huế. Báo ra mỗi tuần 1 kỳ, phát hành vào các ngày thứ sáu”.

Ngày 1/9/1989, tờ báo của Đảng bộ tỉnh thay đổi tên gọi với măng sét mới, Báo Thừa Thiên Huế ra số 1 (đánh số 9 tiếp nối số 8 của Huế ngày nay). Từ sau năm 2000, báo ra hằng ngày. Hiện nay, ngoài ấn phẩm chính, báo còn có ấn phẩm Thừa Thiên Huế Cuối tuần và Báo Thừa Thiên Huế điện tử…, là tờ báo có vị thế văn hóa - chính trị của một địa phương giàu bản sắc văn hóa dân tộc và di sản thế giới.

Đến tên gọi trong giai đoạn mới

Ngày 20/12/2024, tại Khách sạn Duy Tân, một cuộc tọa đàm khoa học do Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức, với chủ đề: Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Tôi ngồi ghế bên nhà văn hóa Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, có nhiều năm giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Tôi thưa với ông về việc đặt tên cho tờ báo của Đảng bộ sắp tới khi cả tỉnh chính thức trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương và nhắc lại khoảng thời gian sau chia tỉnh năm 1989, khi đó ông là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, trực tiếp chỉ đạo nội dung tư tưởng khối báo chí trên địa bàn tỉnh.

Tôi thưa với ông, câu chuyện đặt tên cho báo Huế ngày nay đã 35 năm trước, nghe rất xưa mà vẫn rất mới; bây giờ tờ báo của Đảng bộ thành phố sắp tới mang tên Huế ngày nay như là một sự tái sinh được không? Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mỉm cười ý nhị, rồi nói: Ngay từ năm 1989, Thường vụ Tỉnh ủy đã có cái nhìn về một cơ quan ngôn luận chủ đạo, tiếng nói của Đảng bộ tỉnh phải đi đầu trong việc định hướng tuyên truyền, phải nhìn xa và nhìn ra cái mới. Thời cơ mới có nhiều thuận lợi hơn. Khi cả tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương, tờ báo của Đảng bộ có thể mang tên Huế ngày nay là phù hợp với hoàn cảnh mới. Trong Huế ngày nay bao gồm cả tỉnh từ trên nguồn về dưới biển, thành phố Huế hiện hữu đã đổi thay rất nhiều, Huế giàu khát vọng tương lai ngày một phát triển, Huế như một hiền triết chiêm nghệm để rồi thăng hoa. Huế luôn luôn mới. Mà Huế ngày nay bao gồm trong đó có cả Huế ngày xưa nữa rồi. Huế ngày nay nhân văn và giàu bản sắc.

Tham khảo ý kiến của nhà văn hóa Nguyễn Khoa Điềm, thêm một phiếu thuận cho việc đặt tên tờ báo của Đảng bộ tỉnh – thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Từ năm 1975 đến 2025, đã qua 7 lần đổi tên, lần này trùng con số 7 – con số linh diệu và phúc lành ứng hợp với tên gọi: Báo Huế ngày nay.

Dương Phước Thu