Nhà mồ truyền thống của người Cơ Tu là một tác phẩm nghệ thuật tổng hòa giữa kiến trúc, điêu khắc và tâm linh |
Giữ hồn dân tộc qua từng đường nét
Xuất thân trong gia đình truyền đời làm nhà mồ, ông Phạm Xuân Tin bắt đầu học nghề từ khi mới 11 tuổi. Ông thường đi theo cha đến những bản làng xa xôi, bắt đầu bằng những công việc đơn giản như đục đẽo theo hoa văn đã được cha vẽ sẵn.
Khi đạt đến trình độ cao, ông bắt đầu tự điêu khắc những tượng tròn khách tạc xung quanh nhà mồ. Trong ký ức, ông không quên các bức tượng đầu tay như tượng người đeo gùi, người nhảy múa, người đánh cồng chiêng... “Cha tôi đã rất tự hào khi nhìn thấy những tác phẩm đầu tay này”, ông nhớ lại. Ông đã trở thành một nghệ nhân điêu khắc có tiếng khắp các bản làng.
Một ngày đầu tháng 12, tại nhà làng trung tâm huyện Nam Đông, nhóm nghệ nhân người Cơ Tu miệt mài đục đẽo và tô vẽ những khối gỗ thành các tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Giữa họ, ông Phạm Xuân Tin được mệnh danh là “đại sư phụ”. Ở tuổi 70, ông vẫn giữ ngọn lửa đam mê và tinh thần trách nhiệm với nghề cha truyền con nối. “Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiến thức sâu về văn hóa, vì thế, tôi luôn kiểm tra kỹ lưỡng từng hoa văn, từng chi tiết”, ông Tin chia sẻ.
Nhà mồ truyền thống của người Cơ Tu là một tác phẩm nghệ thuật tổng hòa giữa kiến trúc, điêu khắc và tâm linh. Từ cột, mái đến các họa tiết đều mang ý nghĩa sâu sắc, phản ánh thế giới quan của người Cơ Tu. Trong đó, a chua (phần nóc nhà mồ) được coi là “linh hồn” của toàn bộ công trình. A chua thường được tạc hình đầu trâu và đầu sơn dương, biểu tượng cho sự kết nối giữa người sống và người đã khuất, cũng như lòng thành kính đối với tổ tiên.
Ngày chúng tôi đến, ông Tin đang chỉnh sửa lại phần a chua của nhà mồ mẫu. Ông xóa đi một số họa tiết chưa chính xác do học trò thực hiện. Với ông, dựng nhà mồ không chỉ là nghệ thuật mà còn liên quan đến tín ngưỡng. Sai một chút cũng không được. Vậy nên, ông luôn dặn dò học trò phải làm cẩn thận, vì đây không chỉ là công trình dành cho người đã mất mà còn là di sản tinh thần”.
Ngoài a chua, phần quan tài độc mộc cũng thể hiện trình độ điêu khắc và sự tỉ mỉ của nghệ nhân. Quan tài được làm từ thân cây lớn, xẻ đôi và khoét rỗng để đặt thi hài. Phần nắp được tạc hoa văn tương tự a chua, tạo nên sự hòa hợp giữa các cấu kiện. "Những họa tiết trên quan tài và nhà mồ đều thể hiện quan niệm của người Cơ Tu về vũ trụ, cuộc sống và cái chết. Từ hình chòm sao, cây cối đến động vật như tắc kè, gà trống đều mang ý nghĩa sâu xa", ông Tin giải thích thêm.
Với kinh nghiệm hàng chục năm, ông Tin đã chuyển từ việc sử dụng gỗ quý như lim, kiền kiền, vốn ngày càng khan hiếm sang các vật liệu thay thế như xi măng. Tuy nhiên, ông vẫn giữ nguyên các hoa văn truyền thống để bảo tồn giá trị văn hóa.
Đào tạo thế hệ kế cận để giữ nghề
Từ năm 2020 đến nay, ông Phạm Xuân Tin dành nhiều thời gian hơn để truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Tại xã Thượng Lộ, ông đã mở lớp đào tạo cho 20 học viên, bao gồm cả những người trẻ và những nghệ nhân đã có kinh nghiệm. “Dựng nhà mồ, điêu khắc tượng đều dễ học, nhưng cần năng khiếu để đạt được cái đẹp”, ông chia sẻ. Nhiều học trò của ông đã đoạt giải thưởng trong các cuộc thi, như ông Trần Văn A Hinh từng giành giải Khuyến khích tại Trại sáng tác Điêu khắc truyền thống năm 2023.
Ngoài việc giảng dạy, ông còn trực tiếp tham gia các dự án bảo tồn văn hóa của địa phương. Những nhà mồ mẫu ông và học trò thực hiện không chỉ mang tính thực tiễn, mà còn là nguồn tư liệu quý giá, giúp thế hệ trẻ hiểu và yêu thêm di sản của dân tộc mình. Sự cống hiến của ông Phạm Xuân Tin không chỉ giữ lửa nghề điêu khắc nhà mồ, mà còn lan tỏa tinh thần tự hào văn hóa dân tộc. Những tác phẩm của ông và học trò vừa là công trình nghệ thuật, vừa là biểu tượng của tình yêu và lòng kính trọng đối với tổ tiên, cộng đồng và quê hương.