Giếng Chùa và ông Đặng Chí Tâm |
Ba ngôi giếng cổ của làng
Ở xã Vinh An (huyện Phú Vang) hiện còn ba ngôi giếng cổ, đó là giếng Chùa, giếng Trau và giếng Bộn. Giếng Chùa và giếng Trau ở thôn Bắc Thượng, giếng Bộn ở thôn Trung Đình Hải. Cả ba ngôi giếng này đều nằm dọc theo khe Trong (Tong) của làng.
Theo lời ông Đặng Chí Tâm, trước đây các giếng này thành giếng chỉ cao hơn mặt đất cát khoảng 40 phân, người xưa dùng những thanh gỗ để nẹp thành giếng. Khi tu sửa lại, dân làng đã xây thành giếng cao 80 phân - 1 mét để bảo vệ giếng và đề phòng các trường hợp nguy hiểm. Cả ba giếng không còn vẻ mộc mạc kiểu giếng xưa vì đã được tu sửa, nhưng chất nước ngọt thơm, an lành của giếng thì vẫn còn đó, mà cụ thể là ông Tâm đã vốc nước uống ngon lành.
Có một điều đặc biệt là giếng Chùa và giếng Bộn có kiểu thức hình vuông, còn giếng Trau hình tròn. Khi tu sửa, cả ba thành giếng đều được xây hình vuông. Ngắm nhìn những giếng vuông ở An Bằng bỗng nhớ về chuyện giếng vuông ở Huế. Trước đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện trong Hoàng thành và một số địa phương rải rác có giếng vuông, đặc biệt trong Hoàng thành có đến 18 giếng vuông mà theo TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thì 18 giếng cổ này không được đề cập trong các sử liệu chính thống của Triều Nguyễn nên không xác định được thời điểm ra đời. Tuy nhiên, căn cứ vào kỹ thuật xây dựng thì có thể khẳng định là được xây dựng vào đầu thời Nguyễn, ít ra là từ thời Tự Đức (1848-1883) trở về trước.
Trở lại với kiểu thức giếng vuông ở làng An Bằng, hỏi thăm ông Tâm thì ông cho biết, ba cái giếng này có từ xa xưa, không biết từ khi nào, có điều lạ lùng là dù mùa hè khô hạn giếng cũng không bao giờ cạn. Giữa trảng cát mênh mông nắng gắt mà giếng vẫn đầy nước. Kiểu thức giếng vuông ở An Bằng gợi nhớ đến những công trình nghiên cứu về giếng Chăm đã được đăng trên nhiều báo, đặc biệt có nhiều ở các làng chài, các cồn cát ven biển khu vực miền Trung. Nếu đúng hai giếng vuông ở An Bằng là giếng Chăm thì đây là một đề tài cho các nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu.
Ân tình giếng làng
Ông Đặng Chí Tâm cho biết, tuy bây giờ nhà nhà đều dùng nước máy hoặc nước giếng khoan, nhưng các cụ cao tuổi ở trong làng thỉnh thoảng vẫn sai con cháu ra giếng Chùa lấy nước về pha trà. Nước giếng Chùa rất ngọt, rất thơm, pha trà rất ngon, thậm chí có cụ đau nặng, biết mình không còn bao lâu nên sai con cháu đi gánh nước giếng Chùa về uống. “Uống cho mát dạ, mát lòng. Uống ngụm nước làng rồi chết mới an lòng đó cô”, ông Tâm chia sẻ cái tình sâu nặng của người dân An Bằng đối với ngôi giếng cổ của làng như thế.
Giếng không còn nhiều người dùng, nhưng dân làng An Bằng không bỏ hoang. Hàng năm vào tháng Tư âm lịch, lựa ngày Trực khai (ngày tốt) làng An Bằng tổ chức lễ Vét khe, vét luôn ba ngôi giếng cổ nên nước của ba giếng luôn sạch và đầy. An Bằng là làng bãi ngang có nhiều khe nước chảy qua, lễ Vét khe là một lễ cúng truyền thống, lễ vật đơn giản gồm cau, trầu, rượu dâng cúng tại đình làng, rồi sau đó con dân trong làng cùng ra khai thông, vệ sinh các khe nước. Lễ Vét giếng cũng nằm trong lễ Vét khe là vậy. Bà con An Bằng tin rằng khe nước có lưu thông, sạch sẽ, giếng làng có đầy nước thì con dân trong làng mới ăn nên làm ra, bình an, mạnh khỏe.
An Bằng nổi tiếng là “thành phố lăng” với nhiều ngôi lăng mộ được xây hoành tráng, có ngôi tiêu tốn vài tỷ đồng. Giữa những lộng lẫy thể hiện chữ hiếu của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân như thế thì con người An Bằng ăn to nói lớn như sóng biển ấy còn luôn nồng đượm một tấm lòng trân trọng thiên nhiên, biết ơn những di sản của người xưa để lại. Những tục lệ truyền thống đối xử tốt đẹp, nhân văn với khe nước, giếng nước là những mạch ngầm văn hóa của người dân làng An Bằng trong đời sống hôm nay, là một nét bản sắc độc đáo của làng biển.
Huế bây giờ vị thế đã khác, là đô thị di sản hiện đại trực thuộc Trung ương, giữ gìn những giá trị xưa của Huế từ những ngôi làng nhỏ cũng chính là góp phần giữ gìn lịch sử, bản sắc văn hóa Huế, điều này bà con làng An Bằng đã thực hiện bao nhiêu năm qua.