TS. Trần Đình Thiên: Phát triển đô thị Huế đẳng cấp theo hướng đô thị di sản
Thành phố Huế với lợi thế về văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên, sở hữu dư địa lớn để phát triển thành một đô thị đẳng cấp theo hướng đô thị di sản. Cùng với đó, hạ tầng đang được nâng cấp, đầu tư là cơ sở quan trọng để mở rộng các khu đô thị thông minh, sinh thái và các khu nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút các nhà đầu tư lớn.
So với các thành phố trực thuộc Trung ương khác, trình độ phát triển đô thị của Huế chưa cao. Huế không phải là đô thị công nghiệp lớn, tuy nhiên đổi lại, thành phố Huế lại có một nền tảng tài nguyên văn hóa, du lịch hết sức phong phú đa dạng mà không địa phương nào có được. Vì thế, Huế cần tiếp cận bằng cách xác định được các lợi thế phát triển các loại hình dịch vụ du lịch đẳng cấp; trung tâm giáo dục đào tạo, y tế chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ để xứng tầm đô thị trực thuộc Trung ương.
Đô thị Huế sẽ có nhiều thay đổi khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (ảnh Lê Đình Hoàng) |
Và lẽ dĩ nhiên khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế sẽ có sức hút lớn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ vị thế chính trị và hành chính; nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương sẽ lớn hơn, đây là cơ hội để Huế cải thiện hạ tầng và môi trường kinh doanh.
Huế cần ưu tiên xây dựng chiến lược quy hoạch đô thị đồng bộ, phát triển không gian đô thị theo hướng bền vững, đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường và cải thiện kết nối liên vùng. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp không gây ô nhiễm như công nghệ thông tin, công nghệ bán dẫn; giáo dục, y tế, dịch vụ du lịch chất lượng cao
Ông Trần Văn Mỹ: Xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành tạo lợi thế cạnh tranh cho Huế
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ mang đến nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư. Huế sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư FDI nếu nắm bắt thời khắc này.
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ phát triển môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, thành phố Huế cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, việc thành lập trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp FDI, nơi cung cấp thông tin, tư vấn và giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI mới gia nhập thị trường Huế; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn cao, tích cực, có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ tốt để hỗ trợ các doanh nghiệp thực sự cần thiết.
Ngoài ra, Huế cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và phát triển dịch vụ logistic nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển, chi phí hợp lý, đủ cạnh tranh với các cảng trong nước và ngoài nước, tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tăng công suất phục vụ hành khách và hàng hóa, biến sân bay Phú Bài thành trung tâm vận tải hàng không quan trọng của khu vực miền Trung; mở rộng nâng cấp cảng Chân Mây tăng năng lực xuất, nhập khẩu hàng hóa và đón tàu du lịch quốc tế; nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch, tạo thuận lợi cho giao thương.
Hoạt động sản xuất tại Kimlong Motor Huế |
Thành phố Huế phải tính toán đến việc xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành, bởi đây là xu thế mới trên thế giới. Các khu công nghiệp chuyên ngành sẽ giúp tạo ra chuỗi giá trị sản xuất hoàn chỉnh, giảm chi phí và tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Việc đầu tư các khu công nghiệp chuyên ngành này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và thị trường mà doanh nghiệp hướng đến. Do vậy, ngay từ bây giờ, thành phố cần có định hướng phát triển rõ ràng và lâu dài để hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành này nhằm tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội.
Một trong những khó khăn của doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Huế là nguồn nhân lực chất lượng cao, vì thế, Huế cần chuẩn bị lực lượng lao động đảm bảo cả số lượng và chất lượng nhằm tạo lợi thế trong thu hút đầu tư. Để làm được điều này, Huế cần điều tra đầy đủ và chi tiết lực lượng lao động trong tỉnh từ đó xác định khả năng đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp mà tỉnh có định hướng kêu gọi đầu tư; cải thiện hệ thống đào tạo nhân lực có tính thực tiễn, phù hợp với yêu cầu công việc của doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có chính sách thu hút nhân tài thông qua chính sách phát triển nhà ở cho người lao động, xây dựng hệ thống giáo dục, vui chơi giải trí, hạ tầng dân sinh phát triển để biến Huế thành nơi lý tưởng cho nhân tài sinh sống và làm việc. Làm được điều này, Huế sẽ không chỉ là bến đỗ của doanh nghiệp mà còn là nơi an cư cho nhân tài.
KTS Ngô Viết Nam Sơn: Song hành mục tiêu phát triển kinh tế và bảo tồn phát huy giá trị di sản
Thành phố Huế có cơ hội trở thành mô hình chuẩn mực giữa cân bằng bảo tồn phát huy giá trị di sản và phát triển kinh tế, tuy nhiên, điều này đòi hỏi một chiến lược phát triển rõ ràng và cơ chế quản lý hiệu quả.
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa là một bước đi mang tính chiến lược, giúp Huế vươn lên trở thành trung văn hóa, du lịch và kinh tế quan trọng của vùng và của cả nước. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, thành phố Huế phải đảm bảo phát triển hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, khu vực phía Bắc thành phố Huế (quận Phú Xuân) là khu vực tập trung nhiều công trình, kiến trúc, các giá trị văn hóa di sản vật thể và phi vật thể quý giá như: Quần thể Di tích Cố đô Huế, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Nhã nhạc cung đình... Trong khi đó, khu vực phía Nam (quận Thuận Hóa) là vùng đất tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội với các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, dịch vụ và cơ sở hạ tầng hiện đại. Tuy nhiên, mô hình phát triển giữa hai khu vực chưa thực sự rõ ràng; sự kết nối giữa khu vực phía Nam và phía Bắc còn cần được chỉnh trang để tăng tính kết nối và hỗ trợ lẫn nhau.
Trước khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương, bài toán phát triển cân bằng hài hòa hai khu vực này đã được tính đến. Tuy nhiên, khi thành phố Huế trực thuộc trung ương thành lập, câu chuyện này cần có các giải pháp căn cơ hơn, tương xứng với vị thế mới. Theo đó, thành phố Huế phải xây dựng chiến lược phát triển tổng thể, trong đó xác định vai trò và chức năng của hai khu vực: phía Bắc là khu vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa; phía Nam là khu vực động lực phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn đảm bảo tính liên kết, bổ sung giữa hai khu vực thông qua quy tắc không gian đô thị hài hòa, tránh độc lập về lợi ích.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản là định hướng lớn của Huế (ảnh: Lê Đình Hoàng) |
Huế đang có nhiều lợi thế trong công tác bảo tồn phát triển di sản khi có nhiều cơ chế đặc thù nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa. Vì thế, bài toán tận dụng cơ chế này và có thêm các giải pháp nhằm huy động các nguồn lực, hợp tác quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn đang được tính đến. Khu vực phía Nam với định hướng xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp sạch và công nghệ cao theo hướng xanh, thân thiện sẽ phải đẩy mạnh dịch vụ du lịch kết nối với khu vực phía Bắc, tạo các tuyến du lịch tích hợp (văn hóa - sinh thái - công nghệ). Đồng thời, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng, nhất là các tuyến đường kết nối từ trung tâm đến sân bay Phú Bài và cảng Chân Mây để thúc đẩy phát triển kinh tế mới hướng biển.
Ngoài ra, câu chuyện phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực cho bài toán phát triển hài hòa giữa bảo tồn và phát triển của Huế. Việc tăng cường hợp tác quốc tế nhất là với UNESCO và các tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực bảo tồn; học hỏi kinh nghiệm phát triển và bảo tồn với các thành phố khác cũng sẽ mang lại cho Huế những bài học quý giá.
Ông Cung Trọng Cường: Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sẽ giúp giải bài toán cân đối ngân sách
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ là đô thị trung tâm, cực tăng trưởng, có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển toàn vùng. Trên cơ sở đó, Trung ương sẽ phân bổ nhiều hơn nguồn lực để đầu tư xây dựng, kéo theo sự phát triển mọi mặt từ đời sống, kinh tế, chính trị đến xã hội. Huế với vị thế mới này sẽ mở ra nhiều cơ hội, thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư, nhiều dự án lớn sẽ được triển khai đóng góp vào thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Các doanh nghiệp tại địa phương cũng sẽ dễ dàng tìm kiếm cơ hội đầu tư mới khi mức sống người dân được nâng lên, tham gia vào các chuỗi giá trị của doanh nghiệp lớn (cung cấp nguyên liệu đầu vào, phân phối sản phẩm đầu ra ,...). Khi doanh nghiệp phát triển, bài toán cân đối ngân sách sẽ dễ dàng hơn.
Thực tế, thời gian gần đây, Huế đã có những đầu tư cho phát triển thúc đẩy doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh. Bằng chứng, Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của tỉnh tăng lần lượt 8 bậc và 2 bậc so với năm 2022; Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong top 10 toàn quốc (xếp vị thứ 8); Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương xếp thứ 2/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, thứ 14/63 tỉnh/thành cả nước. Tuy nhiên, khi Huế đã là thành phố trực thuộc Trung ương với các cơ chế đặc thù mới, các điều kiện mới, cần có các thiết chế mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy doanh nghiệp, coi phát triển doanh nghiệp là động lực đưa thành phố Huế trở thành động lực phát triển của khu vực và cả nước.
Hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy doanh nghiệp |
Theo đó, thành phố Huế cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bởi một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới và phát triển. Các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp gia nhập thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng cần căn cơ hơn. Các cơ chế ưu đãi đầu tư cũng cần được tính toán phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nhất là các lĩnh vực mà Huế đang ưu tiên thu hút.
Đồng thời, Huế cần tổ chức các sự kiện kết nối giao thương, hội chợ và triển lãm nhằm quảng bá các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Việc kết nối với các thị trường quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng sự hiện diện và khả năng cạnh tranh. Đầu tư nhiều hơn cho các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp lớn mạnh, hiệu quả tạo các sân chơi, môi trường cho DN phát triển.