Năm 2025 hứa hẹn sự bùng nổ của các ứng dụng AI. Ảnh minh họa: Theweek.in/TTXVN 

Những thay đổi đáng chú ý

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), để đạt mốc 100 triệu người dùng trên toàn cầu, điện thoại cố định đã phải mất 75 năm, điện thoại di động mất 16 năm, internet mất 7 năm; trong khi đó, ChatGPT, một ứng dụng AI đạt được con số này với tốc độ đáng kinh ngạc chỉ trong 2 tháng. Tốc độ áp dụng chưa từng có này không chỉ làm nổi bật tiềm năng biến đổi của AI, mà còn tạo tiền đề cho sự thay đổi lớn trong kết nối toàn cầu và các hệ thống kinh tế, cùng một loạt lĩnh vực khác.

Trong 12 tháng qua, thế giới đã chứng kiến nhiều sự thay đổi liên quan đến AI, từ các hiệp ước an toàn AI được ký kết cho đến việc tăng cường đầu tư vào công nghệ này. Qua đó có thể thấy, AI đã trở thành trọng tâm chính của các chính phủ, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu trong năm 2024.

Gần đây nhất, Sách trắng được Liên minh Quản trị AI của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố tháng 12/2024 đã chỉ ra các lợi ích thiết thực của AI trên nhiều lĩnh vực, từ phát triển phần mềm, chăm sóc sức khỏe, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, giáo dục, tài chính, nhờ khả năng phân tích các tập dữ liệu lớn để xác định mô hình và xu hướng, cung cấp thông tin chi tiết nhanh hơn và chính xác hơn.

 Các đại biểu thảo luận về công tác quản trị AI tại Đối thoại Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) lần thứ 11 năm 2024 tại Indonesia. Ảnh minh họa: TTXVN

Bên cạnh tiềm năng to lớn, công nghệ này cũng đi kèm những rủi ro, như sự cố kỹ thuật, sử dụng với mục đích xấu, và các tác động kinh tế, xã hội không mong muốn. Qua đó, cần khuôn khổ quản trị mạnh mẽ và sự hợp tác liên ngành, để các bên liên quan có thể tận dụng một cách có trách nhiệm hệ thống này, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện hiệu quả các hoạt động và hướng đến phát triển toàn diện.

Dẫn đầu kỷ nguyên AI

Năm 2025, việc nhanh chóng áp dụng AI để duy trì khả năng cạnh tranh và nắm bắt các cơ hội mới được dự báo là xu hướng không thể bỏ qua của các quốc gia trên thế giới. Trong đó, cần chú trọng việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, hệ sinh thái AI, phát triển kỹ năng AI, chiến lược theo từng ngành, cũng như phát triển các khuôn khổ quản trị đảm bảo sử dụng AI có trách nhiệm.

Đáng chú ý, trong kỷ nguyên AI, các kỹ năng cần thiết trong lực lượng lao động đang thay đổi nhanh chóng. Theo nghiên cứu của WEF, đến năm 2027, các doanh nghiệp dự báo gần một nửa (44%) các kỹ năng cốt lõi của người lao động sẽ bị gián đoạn; chủ yếu bởi những tiến bộ công nghệ như AI, điều này buộc người sử dụng lao động và người lao động phải tái cân nhắc về nhu cầu đào tạo kỹ năng.

Nửa cuối năm 2024 chứng kiến năng lượng hạt nhân được ưa chuộng trở lại, khi thế giới chạy đua để đạt được các mục tiêu khí hậu và giải quyết nhu cầu năng lượng tăng cao của công nghệ AI tạo sinh (Gen AI). Một nghiên cứu của Ngân hàng Morgan Stanley ước tính, năng lượng hạt nhân đang chuẩn bị cho sự hồi sinh, có thể thu hút 1,5 nghìn tỷ USD vốn đầu tư đến năm 2050. Còn theo ước tính của các nhà phân tích, thị phần nguồn cung năng lượng toàn cầu từ các nhà máy điện hạt nhân có thể đạt 17% trong thập kỷ tới, tăng từ mức 10% hiện nay.

Hợp tác xuyên biên giới cũng ngày càng trở nên thiết yếu. Bà Christine Zhenwei Qiang, Giám đốc toàn cầu phụ trách chuyển đổi số tại WB cho rằng: “Không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết những thách thức phức tạp này. Với các chính sách chủ động và sự hỗ trợ quốc tế, các quốc gia đang phát triển có thể định hình quỹ đạo của AI và tối đa hóa lợi ích của công nghệ này, nhưng cần nắm bắt cơ hội chuyển đổi này ngay bây giờ”.

Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của AI, Việt Nam đang nổi lên như một ngôi sao sáng trong lĩnh vực này, nhờ lực lượng lao động trẻ, năng động và am hiểu công nghệ. AI cũng được Chính phủ xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển quốc gia.

Điều này thể hiện rõ qua những bước tiến đáng kể về hợp tác lĩnh vực AI giữa Chính phủ và các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam cùng các tập đoàn công nghệ lớn, như NVIDIA, Google, Amazon Web Services... trong năm 2024. Các dự án hợp tác này không chỉ thúc đẩy đổi mới công nghệ mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng ứng dụng AI vào thực tiễn.

Phát biểu sau Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Chính phủ và Tập đoàn NVIDIA về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam ngày 5/12/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng cho hành trình trở thành quốc gia có năng lực nghiên cứu và ứng dụng AI, với nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động và khả năng tiếp thu công nghệ nhanh chóng. Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ, đồng thời chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng số, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của AI.

LÊ THẢO