Có lẽ khát khao được đi Huế chơi của anh em tôi đã động lòng ba. Chuyến đò sau đó không lâu, ông đã cho hai anh em tôi đi Huế cùng người lớn. Khỏi phải nói cái cảm giác sung sướng của đứa trẻ nhà quê lần đầu thấy phố. Cảm giác đó còn mãi trong tôi từ cái mùi thuốc Bắc tỏa ra ở phố Phan Đăng Lưu, ly chè đá đậu đen trong chợ Đông Ba và đặc biệt nhất là lần đầu tiên chúng tôi đi coi phim trong rạp có ghế ngồi, quạt chạy vù vù trên đầu ở rạp chiếu bóng Tân Tân... Sau chuyến đi đó, tôi đem chuyện mắt thấy tai nghe ở Huế về kể cho mấy thằng bạn trong xóm nghe, kể mấy lần là hết chuyện phố,  nhưng mấy đứa cứ thích nghe tiếp rứa là bịa ra thêm những chuyện về phố mà kể...

 Dù xa xôi với phố thị, cách sông trở đò nhưng những làng quê bên kia phá Tam Giang thuộc vùng Ngũ Điền có thể nói là được thiên nhiên khá ưu đãi. Như làng Đại Lộc quê tôi hay làng Kế Môn bên cạnh, ruộng đồng tươi tốt không chỉ có cánh đồng trước mặt làng mà cả những cánh đồng mênh mông chi xứ ruộng cồn bên kia sông Ô Lâu. Làng Vĩnh Xương, làng Thanh Hương thì có những khu vườn rộng trên cát có thể trồng rau màu mùa lụt hay mùa mưa lạnh. Hai làng Thế Chí Tây, Thế Chí Đông thì có những cánh đồng lúa ven phá Tam Giang. Và không thể không nhắc tới phá Tam Giang với một nguồn lợi thủy sản nước lợ vô cùng giàu có. Bởi thế, những năm khó khăn nhất thì dân quê tôi vẫn có con cá hanh, cá đối, con tôm rằn, con rạm bè của phá Tam Giang trong một vài bữa ăn sang...

Chính sự cách sông trở phá, qua sông thì phải lụy đò lại tạo nên cho vùng Ngũ Điền trở thành một vùng thông thương với Huế, với Phò Trạch, với Mỹ Chánh và xa hơn là cả với Đông Hà bằng những chuyến đò buôn và chở khách hàng ngày. Bến đò Đồng Dạ quê tôi không chỉ có chuyến đò đi Huế mà có cả những chuyến đò đi Mỹ Chánh, Ưu Điềm, Phò Trạch chở rau xanh, môn sen, ớt... đi bán và mua về những sản vật của các vùng và hàng hóa, vải vóc về bán ở chợ Đại Lược.

Tôi vẫn nhớ những năm cuối thập niên 1980, khi trào lưu dép Lào xuất hiện, chỉ mấy ngày sau dân quê tôi đã có dép Lào để dùng từ những chuyến buôn của một số phụ nữ trong làng ra chợ Đông Hà. Làng tôi khi xưa không có hoa sen, hoa huệ, nhưng mỗi dịp Phật đản hay lễ trọng ở chùa làng, đều ngát hương của những loài hoa này khi hoa quý theo những chuyến đò từ bến đò Đông Ba về làng.

Vùng Ngũ Điền có đến 5 chợ là chợ Đò, chợ Mới, chợ Biện, chợ Đại Lược, chợ Mai. Trong đó, chợ Đại Lược quê tôi và chợ Mới ở làng Thế Chí Đông là 2 ngôi chợ lớn, hồi những năm 80 đã có tiệm vàng, có quán cà phê... Chợ Đò ở làng Minh Hương là một ngôi chợ đặc biệt, nơi giao thương các mặt hàng thủy sản của phá Tam Giang nên trước mặt chợ là cái bến đò lớn tấp nập đò ghe. Chợ Mai họp buổi sáng, chợ Biện họp buổi chiều... Trong các xã Ngũ Điền chỉ có xã Điền Môn mãi sau này mới xây chợ, nhưng nhắc đến Điền Môn là nhắc đến làng kim hoàn Kế Môn, nơi đây là quê hương của ông tổ nghề thợ vàng và bây giờ người Kế Môn tỏa đi khắp nơi cả trong và ngoài nước rất thành công, giàu có với nghề của cha ông. Làng tôi ở cạnh làng Kế Môn, nhưng mới đây thôi tôi mới biết là ở làng Kế Môn có một lệ rất lạ là khách đi ăn kỵ (giỗ) còn được gia chủ bỏ phong bì mang về...

Đầu những năm 2000 thì vùng Ngũ Điền đã chấm dứt chuyện cách sông trở đò khi có cầu Hòa Xuân nối Phong Chương - Điền Lộc, sau đó mấy năm là cầu Ca Cút bắc qua phá Tam Giang và mới đây nhất thêm một chiếc cầu mới bắc qua sông Ô Lâu nối Quốc lộ 1A về xã Điền Lộc quê tôi đang được hoàn thành. Và từ năm 2025, 6 xã vùng Ngũ Điền sẽ sáp nhập thành 2 phường Phong Phú, Phong Hải và xã Phong Thạnh. Quê tôi từ làng quê xa xôi năm nào bây giờ đã là phường Phong Phú, thị xã Phong Điền, thành phố Huế. Nao nức thay!

PHI TÂN