Ông Lê Quang Đăng (trái) và đồng đội đánh trận Động Tòa: Lê Hữu Tòng (giữa), Hà Ngọc Chuyên |
Trước khi trở thành Đại đội phó Đại đội 1 của Tiểu đoàn 12 Đặc công Trung đoàn 6 Quân khu Trị Thiên, từ năm 1965, ông Lê Quang Đăng là chiến sĩ của Huyện đội Hương Thủy và Tiểu đoàn 105 Tỉnh đội Thừa Thiên. Nhờ có nửa năm học lớp Trinh sát Đặc công do Quân khu đào tạo nên đến giữa năm 1966, ông được điều về Trung đoàn 6 thuộc Quân khu Trị Thiên. Tuy ở Tiểu đoàn 12 Đặc công vỏn vẹn chưa đầy ba năm (1966-1969) nhưng ông đã đánh nhiều trận, lập nhiều thành tích xuất sắc và được tặng 4 tấm Huân chương Chiến công. Tấm Huân chương Chiến công đầu tiên ông được trao sau khi ông dẫn một mũi đánh phá kho xăng dầu ở căn cứ Tứ Hạ - Hương Trà.
Tứ Hạ là căn cứ của Trung đoàn 3 Sư đoàn 1 Quân đội Sài Gòn và là nơi đồn trú của Đoàn “Bình định nông thôn” nên được bố trí phòng vệ hết sức cẩn mật với 4 lớp kẽm gai, xen các bãi mìn và hệ thống lô-cốt, công sự. Ngoài hàng trăm binh sĩ đồn trú, tại đây có trận địa pháo, xe tăng, xe vận tải quân sự.
Những kỷ vật còn lưu giữ |
Đêm 5/4/1967, dưới sự chỉ huy của Chính ủy Nguyễn Trọng Dần và Trung đoàn phó Huỳnh An, Tiểu đoàn 12 Đặc công cùng Trung đoàn 1 phối hợp với bộ đội, du kích địa phương tấn công căn cứ Tứ Hạ và giành thắng lợi to lớn.
Riêng Lê Quang Đăng có niềm vui bất ngờ, mũi chủ công của ông sau khi hoàn thành nhiệm vụ, dưới ánh lửa rực cháy từ kho xăng dầu, ông nghe rất rõ tiếng hô của Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn Trần Tiến Lực: “Tôi tuyên bố kết nạp đồng chí Lê Quang Đăng vào Đảng!”.
Kết nạp Đảng tại trận là vinh dự lớn lao, nó đánh dấu bước trưởng thành của một chiến sĩ xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Sau trận đánh này, theo phân công, đơn vị ông phối hợp với bộ đội địa phương và du kích tấn công các Chi khu quân sự Quảng Điền (ở Sịa) và Hương Điền (ở bên kia phá Tam Giang) mở rộng vùng giải phóng và sau đó tham gia chiến dịch Xuân 1968 ở Huế.
Trong chiến dịch này, Lê Quang Đăng được cử làm Chính trị viên Trung đội, chịu trách nhiệm dẫn đầu một mũi vượt sông Kẻ Vạn. Đang ở giữa dòng, không may phao của chiến sĩ Sức bị thủng.
Vì không có phao nâng, hành quân xa, mang vác nặng, đuối sức nên đồng chí ấy chấp nhận hy sinh để giữ bí mật cho đơn vị, ông Lê Quang Đăng xúc động kể.
Trong 26 ngày đêm tấn công và làm chủ thành phố Huế, mũi của ông Lê Quang Đăng, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đại đội 1 Lê Cháu tấn công đối phương ở cửa An Hòa rồi phát triển về tấn công đồn Mang Cá lớn, nhưng do địch phản kích ác liệt nên bất thành. Đại đội trưởng Lê Cháu hy sinh. Tiếp đó, mũi của ông chuyển sang phối hợp đánh sân bay Tây Lộc và sau đó là đánh trả các đợt phản kích của đối phương. Sau khi có quyết định rút khỏi Huế thì ở cửa An Hòa đối phương tung 2 tiểu đoàn Dù chốt chặn. Tham mưu trưởng Trung đoàn 6 Nguyễn Quốc Khánh triệu tập cốt cán các đơn vị và cuối cùng thống nhất phương án: Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 12 Đặc công và Pháo binh phối hợp tấn công và đẩy lùi đối phương.
Rút khỏi Huế, mấy tháng sau, Trung đoàn 6 giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 12 Đặc công phối hợp với 2 tiểu đoàn Đặc công có bí danh Chị Thừa 1, 2 đặt dưới sự chỉ huy của Thành đội trưởng Huế Thân Trọng Một tấn công căn cứ Động Tòa của Mỹ ở Hương Thủy.
Kể từ khi rời Thủy Châu đầu năm 1965, đây là lần đầu tiên Lê Quang Đăng theo đơn vị trở về đánh địch trên quê nhà mình.
Vùng giáp ranh Hương Thủy trước khi ông rời xa cây cối còn ken dày, nay trở lại đạn bom đã làm cho tan hoang, trơ trọi; nếu không có giao liên Nguyễn Văn Phước dẫn đường thì chính ông cũng khó mà tìm được lối đi.
Đêm 20/5/1968, các đơn vị áp sát hàng rào chờ lệnh nổ súng. Khi Tiểu đoàn 12 Đặc công tiếp cận mục tiêu đợi lệnh thì ở hướng phối hợp, bất ngờ bầu trời đêm rực sáng mà nguyên nhân là do một chiến sĩ Đặc công của “Chị Thừa 1” khi vượt rào vấp phải bẫy pháo sáng. Từ mật tập, các đơn vị nhanh chóng chuyển sang cường tập. Binh sĩ Mỹ đang xem phim không kịp tháo chạy. Hàng chục chiếc xe tăng, công sự bị phá hủy.
Đang chỉ huy đơn vị thu quân, Chính trị viên Tiểu đoàn 12 Đặc công Trần Tiến Lực (quê huyện Phú Lộc) hy sinh. Kết thúc trận Động Tòa, Lê Quang Đăng được phong Thiếu úy, giữ chức Đại đội phó Đại đội 1.
Năm 1969 được ghi nhận là thời điểm khó khăn nhất của cách mạng ở Thừa Thiên Huế. Lúc này, đối phương đã cơ bản “bình định” được nông thôn; còn ở rừng núi, quân đội Mỹ đã cơ bản làm chủ. Tại đây ít nhất đã có đến 30 căn cứ hỏa lực (firebase) được thiết lập, chủ yếu trên các mỏm đồi, đỉnh núi. Khống chế điểm cao, binh sĩ Mỹ không chỉ dùng pháo bắn phá mà còn tung quân lùng sục phá hoại kho tàng. Hậu cứ của cách mạng bị uy hiếp.
Riêng ở phía tây Phong Điền, quân Mỹ thiết lập hệ thống căn cứ phòng thủ dày đặc; nếu tính theo trục dọc từ đông sang tây lần lượt là các căn cứ: Barbara (Ngành Ngạnh) - O’reilly (Cốc Bai) - Ripcord (cao điểm 935).
Barbara (Ngành Ngạnh) là vị trí cuối cùng ở vùng giáp ranh. Nó nằm trên thượng nguồn sông Ô Lâu (Phong Thu ngày nay) và chỉ cách căn cứ Camp Evans (Đồng Lâm) hơn 2 cây số đường chim bay về phía nam và cách căn cứ động Ông Do (Hải Lăng - Quảng Trị) hơn 7 cây số về phía tây bắc.
Để mở đường đến các căn cứ này, tại Barbara (Ngành Ngạnh) lúc này Quân đội Mỹ bố trí một tiểu đoàn của Liên đoàn Công binh 45 và 1 đại đội của sư đoàn kỵ binh bay đồn trú cùng trận địa pháo 105 ly. Căn cứ này có 5 lớp hàng rào và công sự bảo vệ. Để đảm bảo thắng lợi, Trung đoàn 6 cho điều nghiên và phân công Tiểu đoàn 12 Đặc công (có tăng cường 1 trung đội của Tiểu đoàn 33 Đặc công Quân khu Trị Thiên) tập kích căn cứ Ngành Ngạnh. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chất và Tiểu đoàn phó Trần Văn Hòa, sau tiếng nổ lớn của thủ pháo làm hiệu lệnh, rạng sáng 28/3/1969 từ bốn mũi, các đại đội ào ạt tấn công. Căn cứ Nghành Ngạnh rung lên bần bật bởi thủ phảo, hỏa lực B40, B41. Bị tấn công bất ngờ, binh sĩ Mỹ đồn trú không kịp phản ứng.
Lịch sử Trung đoàn 6 cho biết, sau gần 40 phút chiến đấu, quân ta hoàn toàn làm chủ căn cứ Ngành Ngạnh, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu gần 300 binh sĩ Mỹ, phá hủy 10 khẩu pháo105 ly, đốt cháy 3 kho xăng, phá hủy nhiều xe quân sự và thu nhiều vũ khí, trang bị. Đây là trận đánh của lực lượng Đặc công đạt hiệu suất chiến đấu cao ở vùng giáp ranh, mở ra khả năng đánh lớn và thắng lớn của quân ta trên cả vùng chiến lược.
Đại đội phó Lê Quang Đăng cho biết, sau khi làm chủ trận địa nhưng từ mũi đồng chí Mùi (Chính trị phó Đại đội 1) vẫn còn tiếng súng. Quan sát, tôi thấy có ổ đại liên của lính Mỹ bắn loạn xạ nên điều ngay một xạ thủ B40 tiêu diệt.
Vừa rời vị trí quan sát, tôi bị trọng thương, bất tỉnh. Đồng đội chuyển tôi lên trạm phẫu tiền phương ở dốc Ồ Ô - Phong Sơn. Bạn tôi, bác sĩ Nguyễn Hữu Chúc (quê Thái Bình) sau khi phẫu thuật thành công báo cho biết, phổi tôi bị thủng nhiều chỗ và phải cắt gần một mét ruột do bị trúng mảnh đạn cối!
Không còn đủ sức chiến đấu nên tôi được cấp trên cho ra miền Bắc tiếp tục điều trị, an dưỡng và học tập. Nhờ vậy mà tôi hồi phục, đủ sức trở vào miền Nam đúng vào ngày quê hương hoàn toàn được giải phóng (26/3/1975).
Trước khi chuyển ngành, ông Lê Quang Đăng là Trưởng ban Ban 5 Tỉnh đội Thừa Thiên Huế. Ông và nguyên Huyện đội trưởng Phú Lộc Hoàng Anh Đề được phân ngôi nhà 2 tầng tại số 8 đường Nhật Lệ - Huế, nhưng cả hai đều từ chối vì cho đó là tài sản của Nhân dân nên dành cho phúc lợi công cộng.
Riêng Lê Quang Đăng tìm về làng Thần Phù quê ông ở phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy sinh sống, công tác cho đến lúc nghỉ hưu.
Mình sắp bước sang tuổi 83; may còn khỏe, thỉnh thoảng đi đó đi đây gặp gỡ bạn bè. Nghe tin tỉnh nhà sắp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương lại còn vui hơn.
Chung - riêng hòa quyện. Được thế là hạnh phúc lắm rồi, mong chi hơn!