Bộ xăm hường được định danh và triển lãm trên không gian số |
Hơn 140 năm lịch sử, triều đại nhà Nguyễn để lại một kho tàng văn hóa - nghệ thuật đặc sắc. Đến nay, đã có hơn 11.000 cổ vật của Triều Nguyễn được lưu giữ tại Trung tâm BTDTCĐ Huế. Mong muốn ứng dụng công nghệ mới, giới thiệu quảng bá về văn hóa, di sản Huế nói riêng và Việt Nam nói chung đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước, sáng kiến định danh và triển lãm số cho cổ vật Triều Nguyễn tại https://museehue.vn đã được Trung tâm “bắt tay” cùng Phygital Labs hình thành.
Phó chánh Văn phòng Trung tâm BTDTCĐ Huế Võ Quang Huy thông tin, Trung tâm đã hợp tác với Công ty CP Phygital Labs đưa các cổ vật lên không gian số nhờ công nghệ định danh số Nomion. Đây là giải pháp toàn diện ứng dụng công nghệ RFID và blockchain để tạo nên một “danh tính số” duy nhất cho các cổ vật Triều Nguyễn.
Mỗi cổ vật sẽ được gắn với 1 chip NFC đã có thông tin được mã hóa như một “biểu tượng” khẳng định cổ vật này đã chính thức được định danh. Công nghệ Nomion đã tạo ra bản ghi kỹ thuật số định danh 1:1 cho sản phẩm vật lý trên nền tảng số. Tham quan Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế, du khách chỉ cần tương tác một chạm trên điện thoại thông minh với chip NFC gắn bên cổ vật, sẽ dễ dàng khám phá mọi thông tin về các cổ vật đã được số hóa.
Quả cầu cửu long sơn thếp, với tạo hình 9 con rồng vờn quanh ngọc châu, làm bằng gỗ quý thếp vàng toàn bộ bề mặt theo kỹ thuật truyền thống, hay bức phù điêu bằng đá cẩm thạch thời Minh Mạng, được các nghệ nhân chạm khắc hết sức tinh xảo từng được đặt trong cung điện của Triều Nguyễn; cổ vật “cành vàng lá ngọc” từng hiện diện trong các cung điện, lăng tẩm vua chúa ở Huế có thân và cành bằng gỗ, thếp vàng, lá ngọc, gắn trong chậu pháp lam; kiệu của hoàng đế Bảo Đại (1926 -1945) bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm rồng… cùng các bảo vật, cổ vật đặc biệt khác hiện được trưng bày tại điện Long An – Bảo tàng CVCĐ Huế được Trung tâm gắn chip NFC.
“Việc đưa hiện vật lên không gian số, sẽ mang đến trải nghiệm trực quan với câu chuyện hấp dẫn về lịch sử hiện vật, du khách sẽ dễ dàng tiếp cận “sản phẩm thực lẫn sản phẩm số” với phương thức mới, hiệu quả và thuận tiện. Đặc biệt, khách tham quan trên toàn cầu sẽ có cơ hội mua vé tham quan triển lãm trên metaverse của Trung tâm; ngắm nhìn hình ảnh 3D trực quan sinh động, thậm chí bày tỏ sự yêu thích của mình thông qua các tương tác với cổ vật. Trong tương lai, người sưu tầm vẫn có thể mua phiên bản tái hiện chất lượng cao của các cổ vật trên không gian metaverse, đồng nghĩa với việc sở hữu phiên bản vật lý lẫn NFC của các cổ vật này. Với việc độc quyền sở hữu NFC phiên bản kỹ thuật số của các cổ vật, “chủ nhân” có thể tiếp tục thực hiện các giao dịch khác với khách hàng toàn cầu qua các nền tảng “chợ số”, ông Huy nói.
Theo Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung, định danh số còn mở ra tiềm năng cho kinh tế số. Sáng kiến này đồng thời khai thác tiềm năng các mô hình kinh doanh mới thông qua việc định danh và số hóa cổ vật để tạo ra tài sản số, kiến tạo nền kinh tế số theo hướng công nghiệp văn hóa cho di sản Cố đô Huế, đóng góp tích cực cho công tác thông tin đối ngoại, quảng bá văn hóa di sản của Huế nói riêng và của đất nước nói chung tới đông đảo Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.