Chỉ số chứng khoán Kospi hiện đang tăng trở lại sau khi sụt giảm từ ngày 3/12. Ảnh minh họa: CNBC/laodong. |
Theo đánh giá của IMF, châu Á vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng trong năm 2024, khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng của những bất ổn liên quan đến nhiều yếu tố. Lệnh thiết quân luật của Hàn Quốc, quá trình chuyển giao quyền lực bất ngờ của Nhật Bản và mối đe dọa về thuế quan trong nhiệm kỳ tới đây của Tổng thống Donald Trump đã khiến tương lai ở khu vực này trở nên khó dự đoán hơn.
Giữa nhiều biến động đó, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF Alasdair Scott đã nhấn mạnh đến khả năng phục hồi của khu vực và cho biết khu vực này vẫn duy trì được rất nhiều tiềm năng tăng trưởng.
“Chúng ta đã thực sự thấy khả năng phục hồi đó”, ông khẳng định, đề cập đến tình trạng hỗn loạn trên thị trường hồi tháng 8 sau khi Ngân hàng Nhật Bản cắt giảm lãi suất.
Theo ông Scott, mặc dù vẫn còn những thách thức cần giải quyết, bao gồm các vấn đề dài hạn như nhân khẩu học và lực lượng lao động, nhưng châu Á “có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng tích cực”.
Sự kiện mới nhất làm rung chuyển khu vực này là biến động chính trị ở Hàn Quốc, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành lệnh thiết quân luật vào đêm 3/12. Sau khi giảm hơn 5% kể từ sự kiện đó, chỉ số chứng khoán Kospi (Hàn Quốc) hôm nay (10/12) đã tăng hơn 2%. Đồng won tăng giá nhẹ so với đồng USD, mặc dù vẫn ở mức thấp nhất trong 2 năm qua.
“Chúng ta đã chứng kiến những đợt biến động nhất thời, như hồi đầu tháng 8 khi thị trường Topix (Nhật Bản) giảm rất nhanh… Nhưng chỉ sau 1 - 2 tuần, mọi thứ đã trở lại bình thường. Vì vậy, chúng ta nên có cái nhìn dài hạn hơn”, ông Scott cho biết.
Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) đã tăng cường các biện pháp ổn định thị trường kể từ khi biến động diễn ra và cam kết “thanh khoản không giới hạn” nếu cần thiết, phối hợp với chính phủ. Tuy nhiên, Thống đốc BOK Rhee Chang-yong đã bác bỏ khả năng cắt giảm lãi suất chuẩn chỉ để hạn chế tác động từ tình hình bất ổn chính trị.
Tiến sĩ Johannes Wiegand, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF nhận định, khu vực này đã “thể hiện khả năng phục hồi đáng kể” và hy vọng sẽ tiếp tục đà này trong tương lai. Ông cũng cho biết có “nhiều dư địa” để các ngân hàng trung ương châu Á cắt giảm lãi suất hơn nữa khi lạm phát tiêu dùng chậm lại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng được cho là đang có kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ của riêng mình.
So sánh với thời kỳ khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990, Tiến sĩ Wiegand khẳng định “các nền kinh tế châu Á đã phát triển rất mạnh và dường như có khả năng phục hồi tốt hơn nhiều so với trước đây”.