Khí thải nitơ oxit đang đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu và làm hỏng tầng ôzôn. Ảnh minh họa: Drair |
Đánh giá toàn cầu về nitơ oxit năm 2024 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố cho thấy lượng khí thải này đang tăng nhanh hơn dự kiến và cần phải hành động ngay lập tức để hạn chế tác động của chất ô nhiễm siêu N₂O đến môi trường và sức khỏe con người.
N₂O mạnh hơn CO₂ khoảng 270 lần về tác động làm nóng hành tinh và hiện chịu trách nhiệm cho khoảng 10% sự nóng lên toàn cầu kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Chủ yếu được thải ra từ các hoạt động nông nghiệp như sử dụng phân bón tổng hợp và phân chuồng, N₂O là loại khí nhà kính có tác động mạnh thứ 3 (sau CO₂ và mêtan) và là tác nhân làm suy giảm tầng ôzôn nghiêm trọng nhất vẫn đang được thải vào khí quyển.
Từ đó, đánh giá của UNEP cho thấy việc chủ động giải quyết sự gia tăng của khí thải N₂O sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi liên tục của tầng ôzôn, giúp thế giới tránh được nguy cơ khiến phần lớn dân số phải tiếp xúc với mức tia cực tím có hại UV cao hơn và gia tăng tình trạng ung thư da và đục thủy tinh thể.
Ý nghĩa và khuyến nghị
Những phát hiện từ báo cáo cho thấy hành động khẩn cấp đối với vấn đề khí thải N₂O là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu về khí hậu, và nếu không giảm đáng kể được lượng phải thải này, sẽ không có lộ trình khả thi nào để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C để phát triển bền vững như đã nêu trong Thỏa thuận Paris. Đồng thời, việc giảm phát thải N₂O có thể giúp tránh được tới 235 tỷ tấn khí thải tương đương CO₂ vào năm 2100 - bằng với lượng khí thải CO₂ toàn cầu hiện nay từ nhiên liệu hóa thạch thải ra trong 6 năm.
Báo cáo cũng nhấn mạnh các chiến lược giảm thiểu thực tế, liên ngành có thể cắt giảm hơn 40% lượng khí thải N₂O so với mức hiện tại. Thông qua việc chuyển đổi hệ thống sản xuất thực phẩm và xem xét lại các cách tiếp cận của xã hội đối với việc quản lý nitơ, mang đến cơ hội quan trọng để đưa thế giới tiến gần hơn đến các mục tiêu về khí hậu, môi trường và sức khỏe.
Đồng thời, việc giảm lượng khí thải N₂O và amoniac sẽ cải thiện đáng kể chất lượng không khí, từ đó có thể giúp ngăn ngừa tới 20 triệu ca tử vong sớm trên toàn cầu vào năm 2050 do chất lượng không khí kém. Các biện pháp giảm thiểu này cũng sẽ cải thiện chất lượng nước, cải thiện sức khỏe đất và bảo vệ hệ sinh thái khỏi tác động của dòng chảy nitơ.
Thông qua báo cáo, UNEP và FAO nhấn mạnh nhu cầu cần hành động ngay lập tức và đầy tham vọng để giảm phát thải N₂O - như một phần của chiến lược rộng hơn nhằm giải quyết các chất siêu ô nhiễm, cùng với các nỗ lực đạt được mức phát thải CO₂ ròng bằng 0, sẽ đưa thế giới đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu về khí hậu, an ninh lương thực và sức khỏe lâu dài.
(Lược dịch từ UNEP)