Quân ta bắn rơi trực thăng của địch tại chiến dịch Bình Giã |
Từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh vũ trang
Cách đây tròn 60 năm, từ ngày 2/12/1964 đến ngày 3/1/1965, quân và dân miền Đông Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Miền đã tiến hành thắng lợi chiến dịch Bình Giã. Thắng lợi này có ý nghĩa quan trọng, mở ra thời kỳ mới của chiến tranh cách mạng miền Nam. Thắng lợi đó là sự hội tụ, kết tinh của nhiều nhân tố, trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện truyền thống đấu tranh quật khởi, ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, thống nhất Tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Đầu năm 1964, trên chiến trường miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh quân sự của lực lượng vũ trang địa phương đã làm thất bại một bước quan trọng quốc sách “Ấp chiến lược” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn; mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Sài Gòn càng thêm sâu sắc; kế hoạch Xtalây-Taylo (Staley-Taylor) phá sản hoàn toàn. Với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, từ tháng 3/1964, đế quốc Mỹ thực hiện kế hoạch mới - Kế hoạch Johnson – Mc. Namara, nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, hòng cứu vãn nguy cơ sụp đổ hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.
Trước âm mưu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, quán triệt tinh thần Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa III), Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1964-1965 trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, lấy Bình Giã làm điểm quyết chiến của chiến dịch. Đây là đường lối chuyển hướng từ đấu tranh chính trị sang kết hợp với đấu tranh vũ trang và ngày càng coi trọng đấu tranh vũ trang.
Để thực hiện mục tiêu đánh chắc, thắng chắc trong chiến dịch Bình Giã, tháng 10/1964, Bộ Chỉ huy Quân sự miền Đông đã giao cho đồng chí Nguyễn Việt Hoa, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Bà Rịa trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương, gồm: Đại đội 440, Đại đội 445, cùng các đơn vị bộ đội huyện và du kích xã Ngãi Giao đột kích vào ấp chiến lược Bình Giã, thăm dò phản ứng của địch. Mỗi lần bị quân ta tấn công, địch lại tức tốc dùng máy bay trực thăng đổ quân Tiểu đoàn 38 Biệt động quân xuống Bình Giã để cứu viện. Sau 3 lần tiến công, ta đã nắm được quy luật hoạt động, cũng như điểm mạnh, điểm yếu của địch, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã hoàn chỉnh phương án tác chiến đến từng chi tiết.
Lính Mỹ bị thương tháo chạy tại chiến trường Bình Giã |
Đánh dấu sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”
Trong quá trình diễn ra chiến dịch với 2 đợt (đợt 1: từ ngày 2 đến 17/12/1964; và đợt 2: từ 27/12/1964 đến 3/1/1965), dưới sự chỉ đạo sát sao và khôn khéo của Bộ Tư lệnh Miền, sự giúp sức của quân và dân vùng Đông Nam Bộ, các lực lượng chiến đấu của ta đã đánh 5 trận cấp trung đoàn, 2 trận cấp tiểu đoàn. Sau 1 tháng chiến đấu, ta đã tiêu diệt 2 tiểu đoàn chủ lực của quân đội Sài Gòn (với hơn 2.000 tên, trong đó có 28 lính Mỹ), bắt sống 293 tên, phá hủy 1 chi đoàn xe M113 và 2 đoàn xe cơ giới, 45 xe quân sự các loại, bắn rơi 24 máy bay, thu 1.000 súng các loại. Chiến thắng Bình Giã đánh dấu sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, phá vỡ sự tương quan lực lượng và thế chiến lược giữa ta và địch. Trước sự thất bại này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải thừa nhận: “Mối thất vọng của Washington đối với tình hình quân sự càng tăng lên khi quân đội Sài Gòn bị một cú thất bại trông thấy trong trận đánh ác liệt ở Bình Giã...”.
Hãng tin AP (28/12/1964) cũng bình luận: “Việt Cộng đã muốn làm gì thì làm ở vùng Bình Giã trong suốt tháng 12/1964, cả miền Nam Việt Nam không còn nơi nào là hậu cứ an toàn cho Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa cả”. Đối với Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn, chiến dịch Bình Giã đặt dấu chấm hết cho “Chiến tranh đặc biệt”, buộc Hoa Kỳ phải đưa quân tham chiến chuyển sang tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ngày càng sa lầy tại Việt Nam.
Thắng lợi của chiến dịch Bình Giã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về chiến thuật, đặc biệt là nghệ thuật “tạo thế, khơi ngòi” để điều viện binh địch. Việc chọn điểm “khơi ngòi” vào ấp chiến lược Bình Giã là một quyết định sáng suốt của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, vì ấp chiến lược Bình Giã là một vị trí có ý nghĩa cả về quân sự và chính trị; là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ phía đông Sài Gòn...
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đánh giá: “Chiến thắng Bình Giã mãi mãi là mốc son trong tiến trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong chiến thắng này, quân dân các tỉnh, thành Đông Nam Bộ đã đóng góp to lớn về người và của, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch trên hướng chiến trường trọng điểm Đông Nam Bộ, góp phần cơ bản làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam, buộc chúng phải chuyển sang một chiến lược quân sự mới: “Chiến tranh cục bộ” từ giữa năm 1965”.