Tại Huế, theo số liệu từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, danh mục lễ hội có trên 500, là một trong 5 địa phương có số lễ hội lớn nhất nước, trong đó có 110 lễ hội thuộc danh mục cần bảo tồn. Đến nay, có 60 lễ hội truyền thống lẫn hiện đại đã được khai thác, tái hiện, dàn dựng và chắc chắn theo thời gian, con số này không dừng lại ở đó.
Với đặc thù văn hóa của vùng đất, có ý kiến cho rằng, Huế không làm lễ hội thì làm gì? Riêng về chất lượng tổ chức, theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Huế được xem là địa phương “không phải phàn nàn gì về cách tổ chức lễ hội”. Tuy nhiên, bên cạnh giá trị văn hóa, tâm linh, việc làm thế nào để khai thác hiệu qủa một số lễ hội mới gắn với phát triển du lịch đang là vấn đề đặt ra.
Đơn cử như Lễ hội Đền Huyền Trân, được xem là hoạt động nằm trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau bốn lần tổ chức, qui mô lễ hội được kéo dài với bốn lễ hội nhỏ trong khuôn khổ, cho thấy thành công lớn trong xã hội hóa tổ chức khi riêng Lễ hội Hoa đăng tối 11-2 đã qui tụ gần 300 tăng ni, phật tử tham gia. Tuy nhiên, ngoài người dân địa phương, lễ hội chưa thu hút được nhiều du khách như mong đợi. Riêng phần hội, qua các kỳ tổ chức chưa có gì mới, với chương trình thi cắm hoa, vẽ tranh thiếu nhi, trưng bày dăm gian hàng thủ công mỹ nghệ, vài gian ẩm thực chay… Đặc biệt, sau những ngày lễ hội rình rang, hiện, mỗi năm, doanh thu của trung tâm du lịch, văn hóa bề thế này chỉ mới đạt con số 1 tỷ đồng là điều đáng trăn trở.
Kim Oanh