Chuyện ô nhiễm do khói bụi từ nhà máy sản xuất xi măng không còn xa lạ với cơ quan chức năng và người dân quanh khu vực NMXM Long Thọ (TP Huế) từ hơn 15 năm nay. Những năm qua, dù đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư, xử lý, nhưng việc đưa nhà máy này ra khỏi thành phố được xem là giải pháp triệt để cho vấn đề môi trường. Trước thực trạng trên, việc đưa các cơ sở sản xuất vào các khu công nghiệp và quan tâm đến công nghệ, thiết bị mới nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường là vấn đề cần đặt biệt quan tâm đối với vùng đất di sản và du lịch Thừa Thiên Huế. Vậy nhưng, một lần nữa vấn đề khói bụi, ô nhiễm từ NMXM được đầu tư chưa lâu lại trở thành vấn đề bức xúc.

Quan tâm đến quá trình đầu tư, phát triển sản xuất và vấn đề môi trường của NMXM Luks, chúng tôi được biết, đây là NMXM khá hiện đại với công nghệ lò quay. Ngay từ khi mới đi vào hoạt động với công suất 5 vạn tấn/năm, NMXM Luks đã quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường và đã được cấp giấy chứng nhận quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14.000. Vậy nhưng từ sau khi nhà máy đầu tư các dây chuyền thứ 3, 4... nâng công suất lên gấp nhiều lần so với ban đầu, mà thiếu quan tâm đầu tư đến việc xử lý chất thải thì vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng. Năm 2008, Cục Bảo vệ môi trường (BVMT) đã lập đoàn thanh tra và phát hiện tình trạng ô nhiễm do khí thải, bụi... ở đây vượt tiêu chuẩn cho phép trên 2 lần. Cũng theo Cục BVMT, từ khi mở rộng dây chuyền sản xuất số 3, nhà máy đã tự ý thay lọc bụi tĩnh điện bằng lọc bụi tay áo khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng. Hơn thế nữa, nhà máy không lập báo cáo tác động môi trường mà đã đầu tư và đưa vào hoạt động dây chuyền số 4 làm cho ô nhiễm càng gia tăng... Đây cũng chính là cơ sở để NMXM Luks được xếp vào nhóm cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần xử lý của tỉnh. Điều đáng nói là thời gian qua, vụ việc trên chưa được quan tâm xử lý đúng mức. Việc hàng chục hộ dân trong vùng bị ô nhiễm kéo đến bao vây, phong toả các lối vào nhà máy vào cuối tháng 11 vừa qua được xem là “giọt nước tràn ly” của sự bức xúc.
Với quan điểm chỉ đạo nhất quán của tỉnh, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng... hy vọng “điểm nóng” ô nhiễm môi trường tại NMXM Luks sẽ được quan tâm giải quyết thoả đáng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ dân sống quanh khu vực nhà máy được an cư lạc nghiệp. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn có một số NMXM có qui mô lớn đang được đầu tư và sắp đi vào hoạt động. Làm thế nào để các NMXM và những cơ sở sản xuất công nghiệp nói chung ra đời, phát triển mà không gây tác động xấu đến môi trường và đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn là yêu cầu đặt ra không chỉ các nhà đầu tư và các cơ quan chức năng của tỉnh. Đây là điều kiện quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững.
Hoàng Thành