Phẩm chất quan trọng nhất của nhà báo không còn gì để bàn cãi là sự trung thực, khen chê đúng thì mới có tác động lay động lòng người. Thông tin báo chí rất cần sự nhanh nhạy và càng ngày tính chuyên nghiệp phải càng cao. Điều đáng suy nghĩ ở đây là sự hướng thiện của nhà báo.
 
Nhà báo cũng là con người và hướng thiện bao giờ cũng là khát khao của những con người chân chính. Đã có một thời, phổ biến câu ngạn ngữ “nhà báo nói thêm”, tức là tô vẽ thêm, khen thêm so với hiện thực cuộc sống vốn có. Cơ chế thị trường hình thành và phát triển, sự phản ánh của báo chí ngày càng nhiều chiều, đa dạng và phong phú hơn. Tuy vậy hơn bao giờ hết vấn đề hướng thiện lại được đặt ra.
 
 Góc nhìn - điều quan trọng nhất với các nhà báo - ảnh Bích Hà
 
Có một thực tế là, trước một sự việc, nhiều tờ báo, nhiều nhà báo vì động cơ này hay động cơ khác, có thể vì tiền và cũng có thể là luỵ tình, mà bóp méo sự thật, nhất là khi viết về những vụ việc phức tạp, tế nhị, làm giảm lòng tin yêu của độc giả.
 
Vai trò của báo chí hiện nay cũng như bất cứ lúc nào, luôn là rất lớn và có tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống, từ chính trị, kinh tế đến văn hoá, xã hội... Cũng chính bởi thế nên ý thức và hành động hướng thiện càng gắn liền chặt chẽ với đạo đức của người làm báo.
 
Một bài báo được viết với động cơ hướng thiện sẽ cố gắng để không làm chậm đà phát triển của một địa phương, làm đổ vỡ sự đoàn kết và thống nhất của một tập thể, niềm hạnh phúc của một gia đình cũng như khát vọng sống và vươn lên vì mục tiêu tốt đẹp của mỗi con người. Người cầm bút biết đau nỗi đau của con người và phải ý thức được điều mình viết ra nếu không góp phần xóa hết được nỗi đau kia thì cũng không như xát muối vào lòng, gieo thêm niềm đau và nỗi bất hạnh cho đồng loại. Hay nói như Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, khen cũng để hướng thiện mà chê cũng để hướng thiện, góp ý xây dựng chứ không phải chỉ trích, phê phán.
 
Hơn bao giờ hết, người cầm bút đang rất cần được cổ vũ và động viên để hướng thiện.
Đan Duy