PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung cùng cộng sự trong phòng thí nghiệm

PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung hiện đang công tác tại Khoa Hóa học và Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Công nghệ, thuộc Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Chia sẻ về công việc của mình, PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung cuốn hút người nghe bằng lối dẫn chuyện khá năng động: “Tôi bắt đầu công việc nghiên cứu và giảng dạy về hóa học tại Trường đại học Khoa học, Đại học Huế từ năm 2002 và đã gắn bó với Khoa Hóa học hơn 20 năm. Ban đầu tôi yêu thích hóa học lượng tử và hóa học tính toán, bởi những điều thú vị của cấu trúc phân tử, liên kết hóa học. Về sau, tôi nhận thấy cần thiết phải kết hợp hóa học ứng dụng cho các nghiên cứu sâu hơn về dược chất thiên nhiên, hỗ trợ điều trị bệnh. Tôi ưu tiên kết hợp tính toán hóa lượng tử, mô phỏng và thực nghiệm vào hướng nghiên cứu này với mục đích các sản phẩm dược dụng được tạo ra một cách bài bản từ công bố khoa học qua các bài báo quốc tế đến nghiên cứu và bào chế sản phẩm ứng dụng”.

Khám phá những điều “bí ẩn” từ cây dược liệu

Say mê môn hóa học và định hướng sự nghiên cứu của mình vào dược chất thiên nhiên, trong nhiều năm qua, PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung đã tập trung khảo sát hoạt tính sinh học, khả năng kháng khuẩn và ức chế hội chứng bệnh của các hoạt chất tách chiết từ một số cây dược liệu đặc hữu ở Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung luôn muốn có cái nhìn sâu hơn về ứng dụng của dược chất thiên nhiên vào đời sống. Do đó, chị luôn trăn trở tìm ra các hợp chất tự nhiên có tiềm năng kháng khuẩn, ức chế virus, đóng vai trò là kháng sinh tự nhiên có khả năng thay thế thuốc hiện hành đang trở thành tâm điểm trong nghiên cứu tổng hợp và bào chế thuốc đặc trị giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.

Sinh ra và lớn lên tại Huế, PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung dành tình cảm đặc biệt cho Huế, thích môi trường làm việc, cuộc sống tại thành phố yên bình, và luôn mong muốn gắn các nghiên cứu của mình với mảnh đất này. Qua khảo sát, PGS. Nhung thấy nhiều cây dược liệu mọc phổ biến và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Thừa Thiên Huế. Các loại cây này dễ trồng, dễ bảo tồn, thu hoạch sản lượng lớn, thời gian sinh trưởng/thu hoạch ngắn, phát triển tốt trên đất bạc màu/đất cát; có hiệu quả kháng khuẩn, kháng nấm đã được chứng minh qua một số nghiên cứu đã công bố. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu này có thể thu hoạch quanh năm, sau thu hoạch vẫn duy trì cây phát triển bình thường. Chị và nhóm nghiên cứu đã chọn nghiên cứu đề tài liên quan đến cây dược liệu đặc hữu tại Huế, như cây gừng đen (Distichochlamys spp) cây trứng nhện (Aspidistra locii), cây tỏi đá Phong Điền (Aspidistra phongdiensis), bồ công anh Việt Nam…

Cây gừng đen vùng phân bổ là ở rừng Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) và rừng Phong Điền. Được phát hiện từ năm 1995, nhưng để nghiên cứu có hệ thống, bài bản thì gần đây mới được quan tâm. PGS. Nhung và nhóm nghiên cứu đã công bố một số công trình nghiên cứu với các kết quả có giá trị về cây gừng đen trong nghiên cứu mô phỏng và thực nghiệm về hoạt tính kháng khuẩn, kháng viêm và điều trị bệnh tiểu đường.

Cây tỏi đá Phong Điền được phát hiện vào đầu năm 2023 tại Thừa Thiên Huế. Đây là dược liệu quý, có nhiều dược chất và dược chất của nó có khả năng ứng dụng trong điều trị và hỗ trợ điều trị bệnh, cũng đã được PGS. Nhung và nhóm nghiên cứu khảo sát hoạt tính sinh học với một số kết quả bước đầu rất có giá trị...

Kết quả nghiên cứu  cho thấy, tính chất dược lý, hoạt tính sinh học, khả năng ức chế vi khuẩn và hội chứng bệnh (Alzheimer, tiểu đường,…) của hợp chất tự nhiên tách chiết được từ các cây dược liệu đặc hữu ở Huế nói trên là cơ sở khoa học đáng tin cậy cho các nghiên cứu chuyên sâu về dược chất thiên nhiên và hóa dược. Qua đó, sẽ sử dụng để  bào chế thuốc có nguồn gốc tự nhiên trong phòng và hỗ trợ điều trị bệnh, giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng. 

Với nghiên cứu này, PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung đã nhận được giải thưởng “L’ORÉAL - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” năm 2023.

Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu

Trước đề tài nghiên cứu được nhận Giải thưởng L’ORÉAL - UNESCO, PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung cùng nhóm nghiên cứu đã có những đề tài, dự án mà kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong thực tế và đã thương mại hóa thành công như các sản phẩm trà thảo dược, sản phẩm dược dụng hỗ trợ điều trị bệnh về đường hô hấp… Đặc biệt, PGS. Nhung và nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy thành công nấm dược liệu có hàm lượng dưỡng chất cao. Các giống nấm nghiên cứu đã được chính nhóm nghiên cứu công bố trên ngân hàng Gene thế giới (GenBank) đặc biệt là giống nấm Cordyceps cicadae chưa được nghiên cứu nhiều tại Việt Nam về ức chế hội chứng bệnh. Một số các nghiên cứu bước đầu của nhóm đã chứng minh bằng mô phỏng và thực nghiệm các sản phẩm nấm dược liệu của nhóm nuôi cấy được có tiềm năng trong hỗ trợ điều trị các bệnh như: alzheimer, lão hóa da, tiểu đường…

Kiên định với con đường nghiên cứu khoa học của mình, PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung chia sẻ: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng một số cây dược liệu đặc hữu và quý tại Việt Nam từ vùng nguyên liệu đến nghiên cứu chứng minh hoạt tính ứng dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh của các hoạt chất tách chiết được trong cây dược liệu. Cùng với đó, sẽ xây dựng kế hoạch bào chế sản phẩm ứng dụng, kiểm nghiệm, thử nghiệm… và tiến tới thương mại hóa sản phẩm. Khó khăn và thách thức là luôn có, nhưng tôi tin rằng, sự liên ngành, hợp tác bền vững và niềm đam mê trong nghiên cứu khoa học, nhóm chúng tôi sẽ vượt qua được khó khăn cho câu chuyện tạo ra các sản phẩm khoa học có tính ứng dụng thiết thực”.

Bài, ảnh: NGUYỆT NHI